(Ai chưa đọc thì đọc, ai đọc rồi cứ đọc lại, không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang)
Vài kỷ niệm về Sơn Nam(Ai chưa đọc thì đọc, ai đọc rồi cứ đọc lại, không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang)
1. Giống như nhiều người, tôi đọc Sơn Nam trước rồi mới gặp anh sau. Có điều lần đầu được gặp anh trong hội thảo về Nguyễn Trãi ở Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh năm 1980 thì chỉ chào nhau chứ không nói chuyện gì.
Nhỏ con, xấu trai, khuôn mặt nhăn nhúm, môi hơi bỉu ra nhìn nghiêng rất dễ bực mình nhưng con mắt thi khác, lúc nào cũng hấp háy như sắp cưới. Mắt Sơn Nam rất trong, ánh nhìn cũng thế. Tôi biết ngay lập tức là mình đã gặp một gã lãng tử văn chương.
2. Cũng không chỉ trong văn chương. Lần thứ hai gặp anh là trên xe bus, tuyến Sài Gòn – Lăng Cha Cả, chạy dọc Trần Quốc Thảo – Lê Văn Sĩ hiện nay. Xe bus chạy bằng than, một sáng kiến gớm ghiếc của một số đầu óc kỹ thuật đáng sợ thời bấy giờ nhưng đông nghịt.
Sơn Nam lên sau tôi một trạm, cầm một cái giỏ. Tôi khều vai anh chào một tiếng, anh gật đầu nói A, chào chú rồi sống chết chen vào trong. Đang ngạc nhiên thì thấy gã bán vé gọi với theo Mua vé ông già ơi. Sơn Nam làm như không nghe, vẫn tiếp tục chen vào. Gã bán vé ngoác mồm gào lên Mua vé ông già ơi, ông già cầm cái giỏ kia, rồi nhấc chân toan đuổi theo. Tôi phì cười níu vai y, đưa ra hai hào nói nhỏ Tiền xe của ổng đây, không cần xé vé đâu. Y nhìn nhìn tôi, ngẫm nghĩ một thoáng rồi đưa lại một hào. Tôi gạt tay y nói Cứ cầm đi, lần sau đừng lớn tiếng như thế là được. Ngẩng lên thì Sơn Nam đang quay lại nhìn.
Anh xuống trước tôi một trạm, hình như chỗ chợ Lê Văn Sĩ. Lúc chen ra qua ngang mặt tôi, anh gật đầu cười cười, không hề có vẻ cám ơn mà còn giống như chế nhạo. Mịa, tôi là giữ danh giá cho Hương rừng Cà Mau thôi. Nhưng đúng là nếu lúc ấy anh lại nói ra hai chữ cám ơn thì chắc chắn tôi sẽ nghĩ khác về anh. Kẻ lãng tử đâu cần ai làm ơn.
3. Nhiều người thích gọi Sơn Nam là nhà Nam Bộ học, nhưng tôi nghĩ khác. Tuy trước 1975 anh có Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Thiên địa hội và cuộc Minh tân, sau 1975 cũng có Bến Nghé xưa, Đất Gia Định xưa, nhưng vẫn hoàn toàn không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử hay văn hóa. Sơn Nam là một nhà văn, và giống như các nhà văn giỏi hay bị hút theo cái đề tài đã làm mình thành danh, anh đã thật sự là một nhà Phong tục học. Giống như đọc Võ Đắc Danh hiện nay người ta thấy được cuộc sống sau 1975 ở miền Tây Nam Bộ, đọc Sơn Nam người ta cũng thấy rõ cái mạch sống của xã hội Nam Bộ, cái mạch sống mà anh đã nhập thân vào từ trước 1945.
Khoảng 1983, 1984 tôi được Giáo sư Trần Văn Giàu cho viết bài Văn học Hán Nôm ở Gia Định trong Địa chí văn hóa Thành phố nên thường ghé chỗ ông. Có lần tôi hỏi Bộ địa chí này có tới mấy tập, bác có gọi anh Sơn Nam viết không, bác Sáu lắc đầu nói Thằng Sơn Nam không phải dân nghiên cứu, nó biết nhiều về phong tục xã hội, nghe nó nói chuyện mà làm nghiên cứu thì được, sách nó viết cũng vậy, cũng hay nhưng chỉ vậy thôi. Nhưng trên một khía cạnh khác, cái học về phong tục của Sơn Nam quả đã đạt tới mức thượng thừa.
Có lần tôi vào cơ quan Viện Khoa học xã hội ở ngã tư Pasteur – Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay lấy hàng căntin thì gặp bác Sáu Giàu, ông gọi tôi đi uống cà phê. Tôi đưa ông tới một chỗ quen ở ngã tư Pasteur – Nguyễn Du, vừa gọi cà phê thì thấy Sơn Nam ngồi xích lô chạy ngang. Tôi chỉ cho bác Sáu nói Bến Nghé xưa kìa, bác Sáu bảo tôi gọi, Sơn Nam lập tức tấp vào.
Chào bác Sáu xong, anh nói mới đi Hà Nội về. Bác Sáu hỏi Có gì mới nói nghe chơi, anh lắc lắc đầu, hai người im lặng. Nhưng bên kia đường đối diện với quán cà phê là một quán bia, có một đám thanh niên đang cười nói ầm ĩ, Sơn Nam ngoảnh nhìn rồi quay qua nói với tôi Tôi nói cho chú nghe chuyện này. Mới rồi tôi ra Bắc thấy thanh niên ngoài đó khác trong này lắm. Chú nhìn bọn kia thấy thanh niên Sài Gòn vậy đó, mới chín mười giờ sáng đã kéo nhau ra quán nhậu nhẹt, bàn chuyện chạy mánh, chửi thề ầm ĩ, nhưng như vậy mới thấy sức sống của dân Sài Gòn. Chứ thanh niên Hà Nội sáng dậy pha ấm trà, ngồi bàn chuyện thơ văn của các cụ ngày xưa, gật gù chữ này hay câu kia đắt, tốt thì cũng tốt nhưng phong khí đả suy rồi. Tôi giật mình nhìn qua, thấy bác Sáu gật gật đầu.
Có lẽ Sơn Nam cũng không ngờ là anh đã dạy tôi một bài học quý giá, tức không nên nhìn sinh hoạt xã hội hay nói rộng ra là lịch sử văn hóa qua lăng kính đạo đức suông.
4. Khoảng 1980, 1981 ở thành phố có một vụ được gọi là bạo loạn văn hóa, Thành ủy rất quan tâm nên bác Võ Văn Kiệt lúc ấy là Bí thư Thành ủy tổ chức một cuộc gặp mặt các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ ở một khách sạn, hôm ấy tôi cũng được tới dự, gặp Sơn Nam ở đó. Bác Sáu chưa tới nên đám phục vụ chưa kê bàn, mọi người ngồi ở hai dãy ghế hai bên nói chuyện. Lúc bác Sáu vào, tất cả đứng lên chào, bác Sáu vỗ vai người này bắt tay người kia, tới chỗ Sơn Nam thì kéo anh ra ôm vai rất thân thiết.
Trong Hội thảo Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản do Hôi Sử học tổ chức ở thành phố năm 2003, bác Sáu Dân tới dự nguyên ngày, Sơn Nam cũng tới dự. Lúc lên phát biểu, anh nhìn về phía bác Sáu nói Thưa các lão thành cách mạng chứ không thưa nguyên này nguyên nọ. Kết thúc lời phát biểu, anh nói Đề nghị chúng ta đoàn kết với Phan Thanh Giản, và nên đưa Phan Thanh Giản vào chương trình giảng dạy cấp phổ thông. Đầu thời mở cửa, Sơn Nam là nhân vật nổi bật của phong trào Về nguồn, hình như còn là chức sắc gì đó trong Ban quản trị đình Lăng Ông, đi đâu cũng khăn đóng áo dài.
Đầu Tết âm lịch năm 2003 có một cái đình ở quận 10 làm lễ cúng thần kêu tôi tới dự, vào thấy Sơn Nam nhưng chưa kịp tới chào thì người trong đình tới mời viết chữ Hán cúng thần, viết xong thì một đám trẻ con có người lớn có xúm lại xin chữ cầu lộc cầu phúc đầu năm, mãi một lúc mới giẫy ra được bước ra chào anh thì đã gần trưa, trời nắng chang chang mà anh cũng khăn đóng áo dài, nhìn thấy mà phát nóng lạnh.
Hôm ấy Sơn Nam ngồi xe lăn, nói tôi yếu lắm rồi. Đùa hỏi anh yếu mà còn mặc thứ khăn áo này à, tôi thấy có vẻ nặng về khâu trình diễn đấy. Anh có vẻ buồn buồn đáp Thì để nhớ ông bà mình vậy thôi. Năm 1954 Sơn Nam đã là Tỉnh ủy viên, nhưng anh không đi tập kết ra Bắc…
5. Đang viết dở entry này thì có hai cuộc điện thoại gọi tới. Đầu tiên là Hoàng Hương con gái nhạc sĩ Tô Vũ từ Hà Nội gọi vào điện thoại của thư ký, nói VTV3 muốn phỏng vấn anh về Sơn Nam, nếu đồng ý họ sẽ tới nhà quay. Thư ký nói để báo lại rồi cúp máy quay qua hỏi, lắc đầu bảo cứ nhắn tin là tôi đang viết một entry về Sơn Nam, họ có tham khảo thì cứ việc chứ tôi giơ mặt lên Đài truyền hình làm gì.
Kế đó Nguyễn Trọng Tín bên Sài Gòn tiếp thị gọi, nói Đang ở Bình Dương lo vụ mai táng Sơn Nam, nhờ anh viết cho một bài về ông già, khoàng 13h tôi về Sài Gòn, 15h báo phải lên trang rồi. Đáp đang viết một entry về Sơn Nam trên blog đây, về bảo Võ Đắc Danh mở ra mà xem, thích thì đăng không thích thì thôi, nhưng không được cắt xén bậy bạ. Y OK rồi cúp máy. Mịa, nhà văn các anh không viết về người đồng nghiệp tiền bối ấy được à mà phải đặt bài, cứ viết về văn Sơn Nam đi.
Văn chương của Sơn Nam có một cái duyên rất riêng. Nó dân dã mộc mạc mà sâu sắc tinh tế, giống như con người anh. Cách nay mấy năm có viết một bài về phương ngữ Nam Bộ trong có một đoạn như sau “Về phong cách, phương ngữ Nam Bộ mang rõ dấu ấn đời sống tinh thần của nhân dân lao động, trong đó nổi bật là sự hài hước hóm hỉnh, khỏe khoắn mộc mạc và giàu hình tượng, ví dụ bị mất chỗ làm và thu nhập ổn định thì nói là “bể chén cơm”, gan lì thì nói là “cóc cắn trời gầm không nhả”, làm việc gì tới mức tột cùng thì nói là “Tới bến” hay “Chết bỏ”, về kẻ vô lễ hỗn láo, phá gia chi tử thì nói là “đồ đâm cha chém chú”, sợ sệt thì nói là “sợ xếp (cánh) ve”. Ở đây cũng có những ảnh hưởng của yếu tố Hoa, ví dụ các thành ngữ “sợ xếp ve” là dịch từ câu “cấm nhược hàn thiền” (Sợ sệt như con ve mùa lạnh), “gan cùng mình“ là lấy ý từ lời Lưu Bị khen Triệu Vân “Toàn thân đô thị đảm” (Toàn thân đều là mật) được Việt hóa qua phương ngữ Nam Bộ.
Cũng cần lưu ý rằng khoảng cách giữa tiếng Việt khẩu ngữ và tiếng Việt văn chương trong phương ngữ Nam Bộ không rộng như ở các phương ngữ Trung Bắc, điều này dẫn tới những hiện tượng rất tinh tế song cũng rất dân dã trong văn học viết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Lạc rồi thế kỷ XX như Vương Hồng Sển, Sơn Nam…”.
Bài này in trên Tạp chí Xưa và Nay, kế Phạm Hy Tùng tác giả quyển Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa trích lại trong tham luận trình bày tại một Hội thảo gì đó. Tham luận đọc ban ngày, tối đến y hớt hãi gọi điện khoe, nói đọc xong đi xuống thì Sơn Nam bước ra bắt tay hay ôm hôn thắm thiết gì đó, không biết có mắt lệ rưng rưng không, nhưng đại thể là tỏ ý cám ơn. Tôi nói Sơn Nam xứng đáng được xếp vào dòng lịch sử ấy như thế mà, y đáp Đúng rồi, nhưng anh đánh giá như thế ngay từ lúc ông ấy còn sống nên ông ấy xúc động lắm. Đột nhiên sực nhớ một câu chữ Hán “Công tuy tử nhi bất tử giả tại hĩ” (Ông tuy mất mà điều chẳng mất còn đó). Không cần nói tới chuyện khác, chỉ riêng chuyện góp phần quan trọng trong việc đưa phong cách ngôn ngữ Nam Bộ thành một phong cách nghệ thuật chính thức trong văn học viết Việt Nam thế kỷ XX thôi cũng đủ để Sơn Nam trở thành bất tử rồi. Rất muốn đề nghị các vị soạn sách giáo khoa đưa tác phẩm của Sơn Nam vào chương trình giảng dạy văn học cho học sinh cấp ba …
14. 8. 2008
Phụ: Bậc lương của Sơn Nam
1. Hôm nay là rằm tháng bảy, trong lòng nặng nề. Sáng ra thư ký tới, mặt sầm sầm đưa ra tờ Sài Gòn tiếp thị rồi vào mở máy. Giở tờ báo ra thì hết hồn, cái bài viết về Sơn Nam đã bị cắt gọt tới mức cứ như đang gặp một Sơn Nam mới đi hút mụn căng da mặt về. Trời đất ơi! Thật là giống như vừa bị tất cả những người từ Ban Biên tập tới phóng viên, nhân viên phát hành vân vân của tờ báo ấy xếp hàng đi ngang lần lượt mỗi người tát cho một cái. Hít sâu một hơi nuốt lại câu chừi thề đang trào lên cổ họng, nghĩ thầm Di chúc của Người mà người ta còn thẳng tay biên tập, huống hồ một cái entry. Cho nên khoan đã, việc thiên hạ phải lấy cái tâm của thiên hạ mà xem, phải lấy cái chí của thiên hạ mà xét chứ đừng xem xét bằng cái tâm lụn và cái chí hèn. Oan có đầu nợ có chủ, liếc thư ký một cái rồi cười khẩy bỏ đi ngủ. Nhưng tại sao lại như thế nhỉ? À, hôm qua cái gã đặt bài nói là đang ở Bình Dương lo đất cát mồ mả gì đó, mà đang bận nên quên hỏi đất đai Nghĩa trang Thành phố sắp chuyển đổi mục đích sử dụng hay sao mà một nhân vật như Sơn Nam lại không được vào nằm. Á ạ, lóa lòa lọa, hay hay hay, ngủ thôi Bờm ơi.
2. Trở dậy lúc 14h, hai tay ba đao chát chít với ba người một hồi, mới giác ngộ Từ ấy tim tôi bừng nắng hạ. Cha mẹ ơi, là bậc lương của Sơn Nam! Hình như cán sự 5 cán sự 6 gì đó, sau khi về hưu thì lãnh ở phường… Nói tắt một câu là chức vụ mức lương, danh hiệu huân chương huy hiệu và nhất là quan hệ của một người quy định việc y được ai đứng ra chôn, ai đọc điếu văn vân vân. Sự cống hiến thật sự của cá nhân bị đặt dưới tất cả những thứ ấy hay thậm chí không cần đặt ra, nên cái chết nhỏ hơn lễ tang còn tình người thấp hơn nghi thức. Vụ Cao Xuân Hạo là một bằng chứng. Thành ra mới có việc Lê Văn Thảo nỗ lực để ghi tên Hội Nhà văn vào danh sách Ban lễ tang của Sơn Nam, chứ theo bậc lương thì Sơn Nam chưa có tiêu chuẩn được đại diện có pháp nhân của bọn đồng nghiệp Việt Nam đứng ra mai táng! Mịa, nói ra thì giống như vô lễ chứ nhiều nhà lãnh đạo quốc gia hiện nay mà chết đi thì chỉ sau năm ba năm có khi chẳng ai buồn nhắc tới nữa đâu, chứ Sơn Nam thì khác đấy. Hệ thống hành chính phải phục vụ quyền lực chính trị, nhưng quyền lực chính trị phải tôn vinh các giá trị văn hóa chứ. Trước hôm 12. 8 mà Nguyễn Việt Tiến may mắn trúng gió thì không khéo y đã được toe toét cười nơi chín suối với lễ tang Thứ trưởng rồi đấy, mịa.
3. Nhưng chôn cất còn là chuyện nhỏ, cứ trở lại với giá trị Sơn Nam. Thuở thiếu thời Vương Hồng Sển cũng là một lãng tử, và cũng là một nhân vật không thể bỏ qua khi nhắc tới văn chương Nam Bộ thế kỷ XX. Sơn Nam khác ông già họ Vương ở chỗ không phong lưu hào hoa kiểu dân cậu nhưng cũng là một lãng tử. Vương Hồng Sển là lãng tử chỗ trời hoa đất rượu, Sơn Nam là lãng tử chỗ xó chợ đầu đường, khác nhau về điều kiện nhưng cùng một chất người, đều thật sự xả thân để sống cuộc sống và học cách nghĩ của nhân dân mình, không ngừng quan sát, không ngừng tích lũy. Tính từ Hồ Biểu Chánh tới Nguyễn Hiến Lê có biết bao nhiêu văn nhân học giả Việt Nam ở Nam Bộ không thua kém họ về học vấn văn tài, nhưng đâu mấy ai có được cái văn phong như họ. Phải là những lãng tử tài hoa mới có thể đưa ngôn ngữ dân dã vào văn chương tới mức nhập thần như thế chứ. Văn chương học thuật đâu phải chuyện bửa củi, một ngày bửa được ba khúc thì hai ngày được sáu khúc. Nếu thừa nhận lịch sử có những phát triển đột biến, xã hội có những nhân tài kiệt xuất thì phải trân trọng tài năng cá nhân, mà trân trọng tài năng cá nhân thì phải quan tâm tới số phận và tính cách cá nhân. Đâu có phải ngẫu nhiên mà hàng loạt nhà báo như Hàng Chức Nguyên, Huỳnh Dũng Nhân, Võ Đắc Danh, Trần Bá Phùng… lại thành danh với “dòng phóng sự số phận”. Mà trong học thuật thì chính cái lối khoác cho các nhân vật lịch sử một loại đồng phục tư tưởng kiểu yêu nước thương dân rung cảm với cảnh đẹp quê hương đất nước vân vân nhưng không quan tâm tới số phận và tính cách của từng cá nhân cụ thể đã khiến không ít công trình nghiên cứu lịch sử và văn học trở thành nhạt hoét chán phèo rồi đấy thôi. Bỏ cái chất lãng tử đi, Sơn Nam có còn là Sơn Nam không?
4. Cái entry rủi ro kia chẳng qua chỉ là kỷ niệm của một người chưa chết về một người đã khuất, vốn chẳng đáng gì. Mà bản nhân cũng chẳng lạy lục năn nỉ ai đăng báo để lấy tiếng lấy tiền, chuyện đó thiên hạ đều biết. Có điều bản nhân còn sống mà người ta vẫn công nhiên nuốt lời cắt xén, thì với người đả khuất thế nào không nói cũng rõ. Cái tờ báo kia không cho phép Sơn Nam làm một lãng tử, cái bậc lương kia không cho phép Sơn Nam là một văn nhân, rất là đồng thuận mà. Có lẽ từ nay trở đi đành chiếu theo lối văn chương quan phương với thể tài cáo phó trên báo chí nhà nước – nước nhà mà viết về các nhân vật lịch sử thôi.
15. 8. 2008