Từ cải cách giáo dục ở Phần Lan nghĩ về chuyên ngành Đô thị học (Urban Studies)

Tuần vừa qua, các phương tiện truyền thông có đăng tin về sự thay đổi lớn trong giáo dục ở Phần Lan. Theo đó, học sinh sẽ không còn học các môn riêng lẻ như toán học, vật lý, lịch sử, địa lý,…; thay vào đó, các em sẽ học các môn này theo “chủ đề hiện tượng”. Xin được trích ví dụ từ bài báo trên Vnexpress đăng ngày 03/4/2015.

Link bài viết: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/pha-n-lan-xoa-bo-hoc-tung-mon-rieng-le-3177217.html)

“Chẳng hạn, khi học chủ đề Liên minh châu Âu, những kiến thức về kinh tế, lịch sử, ngôn ngữ, địa lý của các quốc gia thành viên, sẽ được lồng ghép vào bài dạy.”

Như đã biết, Phần Lan là đất nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất trên thế giới; và những nhà giáo dục của Phần Lan, lẽ dĩ nhiên là những chuyên gia hàng đầu. Việc thay đổi như vậy không phải từ những ý nghĩ đột xuất của một cá nhân hay nhóm xã hội nào; chắc chắn nó đã được đưa ra bàn bạc, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trở thành phương pháp, hệ thống giáo dục quốc gia. Bản thân người viết hoàn toàn ủng hộ và yêu thích.

Vậy cải cách đó có gì liên quan tới chuyên ngành Đô thị học. Phần tiếp sau chắc chắn không giải thích hoàn toàn thỏa đáng câu hỏi trên; đó chỉ là những suy nghĩ, những hiểu biết pha chút nào đấy tình cảm cá nhân của người viết; bạn đọc thấy sai chỗ nào, chỉnh chỗ đấy, mắc cỡ gì.

Như đã biết, để đáp ứng nhu cầu nhận thức thế giới tự nhiên và xã hội, khoa học đã phát triển theo hướng phân chia thành ngành và chuyên ngành. Sự phân ngành của các ngành khoa học xã hội và nhân văn diễn ra từ những năm 90 của TK XVIII. Người ta cho rằng, mỗi chuyên ngành thường có sự tương ứng với một lĩnh vực nào đó của thế giới và chúng được coi là một chỉnh thể cần phải nghiên cứu độc lập. Các chuyên ngành xác định ranh giới rõ ràng và tồn tại một cách bình đẳng. Trong đó, mỗi chuyên ngành lại hình thành cho mình những chương trình, những khái niệm, nội dung, lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, các lĩnh vực chuyên sâu,…

Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của các học thuyết khoa học xã hội mới trong TK XIX – XX, đặc biệt là quan điểm duy vật biện chứng của Các Mác đã phủ định xu hướng này. Các khoa học gia cho rằng, những hình thức mới của tri thức đòi hỏi phải có những bộ khung kiến tạo tri thức mới. Họ đã thách thức tính cục bộ của các khoa học chuyên ngành trong việc khép kín quy trình nhận thức. Và thực tiễn đã được giải quyết dựa trên quan điểm này, qua đó chứng minh tính liên ngành trong khoa học là đúng đắn và chân chính.

Một trong những đặc điểm của chuyên ngành Đô thị học mà tất cả SINH VIÊN ĐÔ THỊ (và có lẽ là cả những học sinh THPT có nguyện vọng thi vào ngành) đều biết rõ chính là tính liên ngành: môi trường đô thị, kinh tế học đô thị, xã hội học đô thị, kiến trúc cảnh quan đô thị, đô thị học đại cương,…

Để làm rõ điều này, trước tiên ta hãy tìm đến khái niệm về đô thị. Khái niệm kinh điển về đô thị mà tất cả chúng ta khi học môn Đô thị học đại cương đều nhớ rất rõ: “Tập hợp một nhóm người đông, sống, làm việc, sinh hoạt trên lãnh thổ hạn chế (mật độ dân số cao), hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp tối thiểu 65%”.

PGS TS. Nguyễn Minh Hòa

Nhắc lại khái niệm để nhớ, thật ra, xét đến cùng đô thị, dù lớn hay nhỏ, loại đặc biệt hay loại V (theo phân loại như nghị định số 42/2009/NĐ-CP), cũng đồng thời là:

  • Không gian vật thể
  • Không gian kinh tế
  • Không gian văn hóa – xã hội

Do vậy, khi giải quyết bất kỳ bài toán nào trong đô thị, người ta không thể sử dụng đơn thuần khoa học kinh tế hay thuần khoa học xã hội. Đô thị, là nơi giao thoa giữa các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị nên việc sử dụng các giải pháp, khoa học mang tính tổng hợp, liên ngành là đòi hỏi tất yếu.

Chính việc phải giải quyết bài toán đô thị bằng tư duy tổng hợp và liên ngành, nên cơ quan quản lý nhà nước về đô thị phải là nơi tập trung các chuyên gia về nhiều ngành: kinh tế, chính trị, kiến trúc – xây dựng, xã hội, văn hóa, giáo dục, … Những chính sách, những giải pháp đô thị cũng phải được đánh giá, nghiên cứu kĩ lưỡng trên cơ sở tranh luận, trao đổi và thống nhất giữa các chuyên gia với nhau.

Nói xuôi phải nói ngược. Chính sách, giải pháp đô thị đã được các cơ quan quản lý nhà nước về đô thị đưa ra, tức là ít nhiều đã được bàn bạc, trao đổi, thống nhất giữa các chuyên gia. Việc đánh giá những chính sách, giải pháp đó cũng phải dựa trên tư duy tổng hợp và liên ngành, không phải chỉ tùy vào cảm giác chủ quan, duy ý chí hoặc sử dụng đơn thuần một khoa học nào đánh giá; làm như vậy là phản khoa học, đi ngược lại xu hướng khoa học hiện đại.

Bỏ qua những yếu tố về thể chế chính trị, cơ cấu xã hội, năng lực cá nhân,… nếu chỉ xét đơn thuần về mặt khoa học, người viết tin rằng: Đô thị học (Urban Studies) là một khoa học hiện đại, chân chính, cấp thiết (đối với hoàn cảnh đất nước hiện tại), và đầy tiềm năng. Nếu bạn đã, đang hoặc sẽ trở thành thành viên của nó, bạn chắc chắn phải vững tin, từ tận đáy lòng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *