Trả lại em yêu (Phạm Duy sáng tác)

Bài hát “Trả lại em yêu” được Phạm Duy sáng tác trước năm 75, nói về nỗi lòng của người thanh niên phải ra đi “về miền cát nóng” chiến đấu “chẳng mong ngày về” khi chia tay người bạn gái. Về mặt nội dung là thế, nhưng lượng kiến thức tập trung chủ yếu ở đoạn đầu bài hát:

“Trả lại em yêu, khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa.”

Nếu chịu khó tìm hiểu kĩ, chỉ qua lời bài hát này, chúng ta sẽ tìm hiểu được một khối lượng kiến thức kha khá về Sài Gòn xưa (giai đoạn trước năm 1975). Vì sao nói như vậy, hãy cùng phân tích một tí nhé.

Điều đầu tiên, đầu mối rõ ràng nhất là đường Duy Tân “cây dài bóng mát”. Vậy đường Duy Tân là đường nào. Đường Duy Tân là tên gọi của đường Phạm Ngọc Thạch từ năm 1956 – 1975. Một chút lược sử về đường Phạm Ngọc Thạch. Khi mới thành lập, đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay gồm hai đoạn: đoạn từ sau đường Nhà thờ Đức bà cuối đường Catinat đến Hồ Con Rùa gọi là đường Blanscube, dân gian thường gọi Blăng xuy bề, đoạn từ Hồ Con Rùa đến đường Mayer (sau gọi đường Hiền Vương, nay là Võ Thị Sáu) thì gọi là đường Garcerie. Đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay vẫn còn giữ được “cây xanh bóng mát” như hồi 50 năm về trước.

Tiếp theo chúng ta phân tích câu “Trả lại em yêu khung trời đại học”, dễ thấy chàng và nàng sinh viên trong bài hát này là sinh viên của Luật khoa đại học đường (Đại học Luật khoa). Có thể bạn hỏi ủa chứ không phải đại học Luật ở quận 4 hả, không phải, trước 75, đại học Luật nằm ở đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), và hiện tại nó là cơ sở của trường Đại học Kinh tế. Lưu ý một chút ở đây thì chúng ta sẽ biết được vì sao nhà thi đấu Phan Đình Phùng hiện nay lại có tên là Phan Đình Phùng.

Bàn rộng ra thêm một chút về hệ thống các trường đại học ở Sài Gòn trước 75. Trước 75, chính xác là năm 1957, một viện đại học công lập được thành lập gọi là Viện đại học Sài Gòn. Tiền thân của Viện Đại học Sài Gòn là Viện Đại học Đông Dương (tiếng Pháp: Université Indochinoise) do chính quyền thuộc địa Pháp thành lập ở Hà Nội vào năm 1906. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Viện Đại học Đông Dương được đổi tên thành Viện Đại học Hà Nội (tiếng Pháp: Université de Hà Nội), đứng đầu là một viện trưởng người Pháp.

Về mặt tổ chức, Viện Đại học Sài Gòn duy trì đường lối phi chính trị của các đại học Tây phương. Các khoa trưởng của các trường phân khoa không do Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng Khoa bầu lên.

Vào thời điểm năm 1961, Trường Đại học Khoa học có 2.135 sinh viên theo học; Trường Đại học Y khoa có 1.490 sinh viên. Các phân khoa kia là Luật khoa, Văn khoa (trường mình nè), Dược khoa, Khoa học, Sư phạm, và Kiến trúc. Tính tất cả các phân khoa thì Viện Đại học Sài Gòn niên khóa 1963 có 14.854 sinh viên ghi danh. (ngày xưa còn có thêm trường đại học Nha khoa nữa mà sau thì Y khoa và Dược khoa gom lại thành Y dược như ngày nay)

Vào năm 1975 khi chính thể Việt Nam Cộng hòa chấm dứt thì chính quyền mới chủ trương phân tán các trường đại học (phân khoa đại học) theo khuôn mẫu giáo dục Liên Xô và giải tán Viện Đại học Sài Gòn.

Ngoài ra Viện đại học Sài Gòn còn có đại học Kỹ thuật, nhưng sau tách ra nhập vào Viện đại học Bách khoa Thủ đức (cùng với một số trường là tiền thân của các đại học: Nông lâm, Sư phạm kỹ thuật, Kinh tế luật, …) Có thể tham khảo thêm wikipedia để tham khảo đề án thành lập Làng đại học Thủ đức lần đầu tiên do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ và Lê Văn Lắm lập. Rồi hồi xưa là đã có Đại học Thiết kế thị thôn (thành thị và nông thôn). Nói chung tham khải wiki cụm từ “Viện đại học Bách khoa Thủ đức” là ra hết : ))

Viện đại học Sài Gòn có 2 cư xá, một cư xá dành cho nữ (đã được đề cập trong bài hát ở cụm từ “nỗi lòng cư xá”) là ngày Hồ con rùa hiện nay, nay là chỗ giữ xe á, đó chính là cơ quan đại diện của Bộ giáo dục ở miền Nam mà hồi xưa thì là đại học xá Trần Quý Cáp (dạng như ktx hiện nay) dành cho nữ. Trần Quý Cáp là tên đường Võ Văn Tần ngày nay. Còn đại học xá Minh Mạng dành cho nam thì nay là ktx dành cho sinh viên đại học Y dược ở đường Ngô Gia Tự đó, gần trường giáo dục thường xuyên Chu Văn An.

Một bài hát tuy ngắn nhưng nếu để ý kĩ thì ra biết bao nhiêu là vấn đề, thế đấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *