Sơn Nam viết: “Nguyễn Văn Hầu là nhà nghiên cứu đã khiêm tốn đi sâu vào lòng đất của vùng quê ruột thịt mà ông bà ta đã định cư từ trước”.
Bút Trạch (tên hiệu của ông) suốt đời gắn bó máu thịt với vùng đất địa đầu phía Nam của Tổ quốc. Tôi có trong tay hai quyển loại biên khảo, du kí của ông về vùng đất Hậu Giang này. Một là quyển Nửa tháng trong miền Thất Sơn, hai là quyển Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang.
- Nửa tháng trong miền Thất Sơn

Những quyển theo thể loại du kí, du khảo như vầy nên được giảng dạy thay cho cả hai môn Sử và Địa trong nhà trường. Sách giáo khoa biên soạn tùy vào địa phương mà phát hành: cấp tiểu học cho học về địa phương (xã, huyện, tỉnh) đó, cấp trung học thì học rộng hơn về những vùng địa phương khác. Thiết nghĩ 10 năm học bằng những quyển này thì bổ ích biết chừng nào.
2. Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang

Một quyển biên khảo rất có giá trị về vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Ban đầu, lật sơ qua, tôi tự nghĩ phải nhọc công với quyển sách này rồi, đồng thời, mục lục khá dài và có nhiều đoạn chữ Hán, Pháp. Tuy nhiên, với lối duy diễn thận trọng, cách ghi chép kĩ càng dựa trên lượng tư liệu dồi dào, phong phú, đặc biệt, lời văn giản dị, chân thành mà sâu sắc gợi cảm hứng cho người đọc; tôi nuốt trọn quyển này nhẹ nhàng như vừa tâm sự với một người bạn tri kỷ lâu được gặp, hết sức khoan khoái và có ít tiếc nuối khi gập sách lại. Có lẽ, ít ai viết hơn ông trong đề tài này.