Cũng như Thi Sách giao với Hai Bà Trưng, Lạc Long Quân thì phải hợp với Âu Cơ; qua cầu Chà Và, mé quận 8, có đường Tùng Thiện Vương, lại có đường Tuy Lý Vương nối liền nhau, nhiều người qua lại nhưng ít biết rõ mối quan hệ hai cái tên này. (Bài viết dài quá, ai thích đọc chơi).

Vua Tự Đức đã nhận xét: “Văn như Siêu, Quát; Thi đáo Tùng, Tuy”. Tùng Thiện Vương tên Miên Thẩm, Tuy Lý Vương tên Miên Trinh, hai ông là con trai thứ 10 và 11 của vua Minh Mạng, có tài làm thơ xuất chúng, cùng với Tương An Quận Vương Miên Bửu (con trai thứ 12 của vua Minh Mạng) xưng là Tam Đường nhà Nguyễn (trong chơi bài thì người ta gọi là 10 J Q hoặc là 10 bòi đầm). Hai ông đồng sáng lập nên Mạc Vân Thi Xã (hay còn gọi Tùng Vân Thi Xã), một hội thơ nổi tiếng của cố đô Huế ngày xưa, tập hợp nhiều danh sĩ đương thời như: Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Hà Tôn Quyền, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai, … và được so sánh với Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông thời Hậu Lê.
Thơ cả hai ông đều được đánh giá rất cao, nhưng mỗi người một phong cách khác nhau. Thơ của Tuy Lý Vương theo đánh giá là “cẩm tâm tú khẩu” (lòng gấm, miệng vóc, chỉ người làm thơ lời đẹp như gấm vóc), có tiên phong đạo cốt, nghe như khúc hát nghê thường, dầu chưa hết bài cũng hiểu được điệu hát du dương ở trên cõi trời, chứ dưới cõi trần chưa dễ thấy. Tuy lời thơ khá điêu luyện, nhưng phần nhiều ít có giá trị hiện thực, kém Miên Thẩm, nhất là mặt tư tưởng. Sau này, ông có làm một số bài thơ nói về thực trạng xã hội và được đánh giá khá đặc sắc. Tùng Thiện Vương thì ngược lại. Ban đầu, chủ đề ông chọn thường là về hoa, bướm. Sau này, khi ra Lệ Khê, sống gần dân, hiểu được nỗi khổ của dân, ông làm nhiều bài nói lên thực trạng xã hội rối ren, loạn lạc khắp nơi, thiên tai mất mùa liên miên.
Ngày đầu xuân, 2 ông cùng các tôn thất và đại thần vào điện Thái Hòa bái thọ vua Minh Mạng. Vua muốn khoe tài thơ các con, bèn bảo từng người đọc một bài thơ, gọi là kiểm tra sức học thế nào. Tuy Lý Vương Miên Trinh đọc trước, đọc xong vua đắc ý, các quan thì ra sức xu nịnh. Tới lượt Miên Thẩm. Ông đưa mắt nhìn các vị quan tai to mặt lớn, rồi thưa:
- Tâu phụ hoàng, lời thơ của con còn vụng về, nếu có sai sót chỗ nào, mong phụ hoàng lượng thứ. Rồi ông cất giọng đọc:
Sớm dâng tiền phù lưu,
Tối dâng tiền phù lưu
Quan trên xơi phù lưu,
Dân dưới mới khỏi tù…
Dân dưới bán nhà bán đến vợ
Khỏi bị gông cùm thì bị nợ
Vợ bồng con đến để biệt chồng,
Ngó nhau nhai trầu khóc nức nở.
Nghe đến đâu, Minh Mạng mặt biến sắc đến đấy; còn các bị quan tham nhũng đều chạm nọc, tái mặt. Minh Mạng bảo: “Bài thơ này không trau chuốt bằng những bài con làm trước đây. Con thử đọc cho ta nghe bài khác xem có hay hơn không”.
Miên Thẩm bình tĩnh, ung dung đọc tiếp:
Ngày vác hai cây tre
Bán đi để đỡ dạ
Trong cửa, tre chất non,
Ngoài cửa, tiền không trả.
Chẳng nói thì đau lòng.
Nói thì roi quất thẳng vào hông.
Ôi chao ơi!
Đi ra về, nước mắt dầm dề,
Nay còn đốn vác làm chi hè,
Thà chết đói nằm bên tre.
Nghe xong, Minh Mạng giận đến đỏ mặt tía tai, ông đưa mắt nhìn hai quan giảng tập (chịu trách nhiệm dạy dỗ các tôn thất). Trương Đăng Quế vội quỳ xuống tạ:
- Tâu hoàng thượng, thần lạm giữ chức vụ bảo ban cho hoàng tử mà không tròn trách nhiệm, để hoàng tử làm thơ khiến bệ hạ phiền lòng, hạ thần xin chịu tội.
Nhưng Thân Văn Quyền bước ra, khảng khái nói:
- Tâu hoàng thượng, thần trộm nghĩ thơ của Thương Sơn (tên hiệu của Miên Thẩm) là muốn noi gương Bạch Lạc Thiên làm thơ để giúp vào việc sửa sang chính sự, uốn nắn lầm lỗi của kẻ làm quan, và để trên chín bệ hiểu thấu dân tình, thiết tưởng bệ hạ cũng nên rộng xét mà đừng nên chấp trách.
Biết Thân Văn Quyền xưa nay vẫn cương trực, dám nói, Minh Mạng đành dịu giọng:
- Thơ như vậy cũng không sao, chỉ có điều đầu năm mà đọc thơ nói đến chết chóc là gở, e sẽ rông cả năm. Thôi trẫm cho bãi chầu.
Miên Thẩm ra về, cười thầm trong bụng khi nhớ lại vẻ mặt tái như chàm đổ của mấy ông quan tham nhũng bị thơ chàng vạch mặt trước vua.
Ngày nay, ở Huế vẫn còn vương phủ của hai ông. Ngoài ra, ở Đà Nẵng, hai đường tên này cũng nằm cạnh nhau. Ngoài lề một chút, ắt hẳn ai cũng đã học qua bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, nhưng thực ra địa danh này bị gọi sai, nên gọi đúng là thôn Vĩ Dã (nghĩa là cánh đồng trồng lau), là tên hiệu của Tuy Lý Vương Miên Trinh, sau này dùng để đặt tên cho ngôi làng mà ông ở. Vĩ Dạ là vô nghĩa.
Ngoài lề một chút nữa, nếu có bạn thắc mắc vì sao tên mấy ổng đều có chữ Miên thì có thể google từ Đế hệ thi, khá thú vị.