Suối nguồn (Ayn Rand) – Phản biện bài trên Book Hunter

Như đã hứa hôm trước, tôi đã dành thời gian đọc hết gần 1200 trang quyển Suối nguồn để ngoài nêu ra những lỗi về mặt lập luận, sẽ chỉ ra cách hiểu nội dung sách chưa đúng của tác giả một bài viết trên Book Hunter. Tôi sẽ chỉ ra những lỗi đó ở phần đầu và phần cảm nhận của tôi sau khi đọc xong quyển sách ở phần sau.

A: Phản biện bài viết “Suối nguồn và sự hỗn loạn, kệch cỡm của xã hội Việt Nam hiện nay”: (http://bookhunterclub.com/suoi-nguon-va-su-hon-loan-kech-com-cua-xa-hoi-viet-nam-hien-nay/).

Về cách lập luận, đây là điểm sai lầm chí mạng của tác giả.

1) “Tôi nghĩ tới bối cảnh của “Suối nguồn” và dường như nó rất giống với xã hội của chúng ta hiện nay.”

2) “Tôi không dùng xã hội để nó về quyển sách, tôi đang dùng quyển sách để bình luận xã hội. Và điều đó hoàn toàn chính đáng”.

Một xã hội, ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử, sẽ có những hoàn cảnh khác nhau. Điều sai lầm chúng ta thường mắc phải khi học lịch sử là máy móc cho rằng: học lịch sử để tránh khỏi những sai lầm đã gặp phải trong quá khứ. Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết trong quyển Tôi tự học (Một quyển sách mà quan điểm của tôi là bất kỳ thanh niên nào cũng nên đọc): “Thực ra những sự kiện lịch sử thường chỉ có giá trị của những tài liệu lịch sử mà thôi, chứ tự nó ít có ý nghĩa để dùng làm bài học”.

Vấn đề ở đây là tác giả dùng một quyển sách viết cách đây khoảng 70 năm ở Hoa Kỳ và “dùng quyển sách để bình luận xã hội”, xã hội Việt Nam 70 năm sau khi quyển sách lần đầu ra mắt (1943). Nữa là, ở phần đầu (1), tác giả chỉ dám nhẹ nhàng dùng “DƯỜNG NHƯ nó rất giống với xã hội của chúng ta hiện nay”, tức là tác giả chưa hiểu hết, chưa dám khẳng định, nhưng đến kết luận (2) thì lại bảo “điều đó hoàn toàn chính đáng”. Tôi hiểu ý tác giả, nhưng anh ta đã dùng từ không chuẩn và lập luận không có cơ sở, tôi chỉ ra. Chúng ta có thể dùng một chi tiết trong quyển sách để làm ví dụ cho một vấn đề thực tiễn đất nước hiện nay [hoặc ngược lại dùng một vấn đề thực tiển liên lạc với một chi tiết trong tác phẩm văn học], nhưng chắc chắn ta không được dùng quyển sách để khẳng định về xã hội, điều đó là không “hoàn toàn chính đáng” (như tác giả dùng từ).

Về lỗi trong câu từ, trong suốt bài viết, tác giả “thể hiện sự hiểu biết của mình” bằng khá nhiều lỗi lỗi chính tả, câu cú (từ ngữ “dao to búa lớn”, câu cú rườm rà, không có ý nghĩa) cũng như những lỗi lập luận nhỏ khác (lập luận cùn, lập luận có tính áp đặt cá nhân). Dưới đây chỉ là lướt sơ qua bài:

1) “Ngay từ lần đầu tiên đọc “Suối nguồn” đã trở thành cuốn tiểu thuyết yêu thích của tôi” (chủ ngữ là “Suối nguồn” hay “lần đầu tiên đọc Suối nguồn”).

2) “Tôi từng nói về việc Howard Roak nhân vật chính là một vị thần theo đúng nghĩa tinh thần của từ “thần”” (lỗi tương tự (1)).

3) “Chúng ta đang sản sinh ra một tầng lớp nhà giàu mới, những người giàu rất nhanh, những người mà có lẽ theo lý lẽ thông thường thì không xứng đáng để giàu(nhưng đây là thực tế ai lại nói chuyện xứng đáng hay không, không thiếu những chuyện kỳ lạ vẫn xảy ra trên cõi đời này)” (Xin cho hỏi lý lẽ nào làm cho họ không được giàu ?).

4) “Là cả một hệ thống truyền thông để đưa tên tuổi cô lên.” (Một câu riêng lẻ được à ?)

5) “Hơn nữa sự cao ngạo của cá nhân sẽ giết chết mọi phòng trào.” (Lập luận cùn).

6) “Bạn muốn hiểu rõ bộ mặt của chính chúng ta hiện nay, hãy đọc “Suối nguồn” bạn sẽ thấy vị trí của mình trong đó.” (Chắc tác giả nói mình, chứ tôi đọc xong thì tôi không thấy mình trong đó, xin đừng khẳng định điều gì về người khác).

Có thể cảm nhận một điều là người viết bài trên rất yêu thích tác phẩm này, đến mức gần như phát cuồng khi cho rằng “không có một từ nào là thừa thãi”. Tôi võ đoán rằng niềm “tôn sùng” này có được từ cảm giác chinh phục gần 1200 trang sách. Có nhiều quyển sách chưa đến trăm trang nhưng đọc khó hiểu gấp trăm, nghìn lần Suối nguồn. Vấn đề không phải là ở số giấy tiêu tốn để làm ra một quyển sách, mà là ở số chất xám làm ra nó.

Tóm lại, người viết muốn làm một điều tốt nhỏ bé cho xã hội, nhưng không có được nền tảng lập luận đủ mạnh và chưa hiểu được triết lý đơn giản của Suối nguồn dẫn đến bài viết không rõ ràng, thiếu thuyết phục, và kệch cỡm. Lúc trước, khi xem bài, tôi thắc mắc vì sao bài kém thế này lại được đăng trên Book Hunter (BH). Tìm kiếm trên facebook một hồi, ra là tác giả viết xong tag thẳng founder BH vào. Chị founder cmt một dòng cụt ngủn, không cảm xúc: “…(tên một admin BH), đăng bài này lên web cho chị”.

Cho dù liệt người viết vào trong list “hippy xã hội chủ nghĩa” của mình, nhưng tôi vẫn đánh giá tốt những nỗ lực của người viết.

B: Cảm nhận của riêng tôi về quyển Suối nguồn

Một cảm giác mà anh Nguyễn Danh Lam đồng tình với tôi là đọc Suối nguồn giống như xem một bộ phim. Anh Lam thì bảo giống phim Oshin, “khó chịu đến gai người bởi sự đẹp bằng được, xấu bằng được của nó”. Tôi thì cho rằng nó giống phim Hàn Quốc (ít nhân vật, các nhân vật có mối quan hệ đan xen nhau, các tình huống được sắp đặt chủ quan theo ý tác giả dẫn đến có phần khá thô, bất hợp lý, dễ dàng suy ra đoạn kết “ở hiền gặp lành”).

5 nhân vật chính của tác phẩm gồm:

1) Howard Roark: kiến trúc sư thực tài, theo chủ nghĩa vị kỷ, biểu tượng cho khái niệm “siêu nhân” của Nietzsche, tức là những “kẻ mạnh bứt phá ra khỏi sự trói buộc của quan niệm đạo đức truyền thống, có ý chí quyền lực dối dào và bản năng sự sống kiện toàn. “Siêu nhân” là kẻ phá hoại đối với tất cả giá trị cũ. Siêu nhân là người có ý chí sắt đá, không hề nào núng, từng giờ từng phút chinh phục môi trường và chinh phục bản thân. Đồng thời, họ coi cuộc sống tràn đầy sự đấu tranh này là niềm vui và sự hưởng thụ” (Tinh hoa tư tưởng mọi thời đại – Trần Giang Sơn).

2) Peter Keating: kiến trúc sư tài năng, hình mẫu đáng mơ ước (đẹp trai, có tài, giàu có, vị thế xã hội,…) nhưng trái ngược như Roark, anh sẵn lòng bán rẻ những hiểu biết về kiến trúc và cả linh hồn mình để làm khách hàng hài lòng, dù là với một thứ kiến trúc lai căng.

3) Dominique Francon: một tạo vật kì diệu, ngời phụ nữ hoàn hảo, theo đuổi lý tưởng hoàn hảo, sẵn sàng làm vật hiến tế cho sự hoàn hảo. Đây là nhân vật phức tạp nhất. Tác giả xây dựng nhân vật này như là một hiện thân của các giá trị tinh thần mà con người khát khao đạt đến.

4) Ellsworth Toohey: nhà báo của tờ “Ngọn cờ”, kẻ giật dây cho tiểu thuyết. Nhiều người cho rằng Keating – Roark là trái ngược nhau, nhưng bản thân nghĩ Toohey – Roark mới là đại diện tương phản chính xác nhất. Ông là đại diện tiêu biểu cực đoan nhất cho chủ nghĩa vị nhân sinh, lợi dụng chủa nghĩa vị nhân sinh một cách hèn hạ nhất, nhìn thấu tâm can người khác, luôn ẩn mình đằng sau mọi âm mưu, thủ đoạn.

5) Gail Wynand: tỷ phú Hoa Kỳ, chủ báo “Ngọn cờ”, bạn thân của Roark. Ông là người nhìn thấu được bản chất con người, bản chất xã hội lúc bấy giờ, và đạt gần đến tầm vóc của Roark nhất, nhưng thay vì chọn cách như Roark, ông làm mọi điều ngược lại. Nếu Roark là thần thánh thì Wynand phải là là Atula.

Về nội dung: qua những câu chuyện về kiến trúc, tác giả mô tả xã hội Mỹ giai đoạn vào khoảng sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến sau cuộc đại suy thoái, một xã hội thối nát, giả tạo. Nhà văn không biết viết, họa sĩ không vẽ tranh, kiến trúc sư không xây dựng, … nhưng được dựng lên như những thần tượng bởi bệ đỡ là tờ Ngọn cờ, tờ báo vận hành bởi bọn bồi bút. Công chúng cũng thế, đọc một quyển sách chỉ vì ai cũng đọc, hoặc nhiều người đã đọc, hoặc có ai đã khen nó, không có tư duy phản biện cần thiết. Tất cả tạo nên những tồn tại thứ sinh trong một hiện thực thứ sinh.

Cái hay của tác phẩm, theo tôi, có lẽ nằm ở từng trang sách. Với cách viết “ghi âm và chụp ảnh”, tác giả khiến người đọc tưởng tượng ra khung cảnh (với cảnh vật, âm thanh) nhân vật đang ở vào, làm người đọc như được đứng cạnh nhân vật, thấy được, nghe được, cảm được những điều mà nhân vật trong sách thấy, nghe, cảm. Hầu như giở ra bất kỳ trang sách nào cũng thấy được như vậy, suốt 1200 trang, thật công phu. Điều đó chứng tỏ năng lực quan sát và tưởng tượng của tác giả rất mạnh, và có lẽ trải nghiệm cuộc sống cũng phải phong phú không kém cạnh.

Nếu bạn chọn cách đọc kĩ càng, thấm thía từng câu văn trong Suối nguồn thì hẳn đó là một điều hết sức vất vả. Nhiều đoạn, phải thành thực rằng, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu, và nhiều đoạn thì tôi gọi là “chỉ đọc chữ”. Cái mạch cảm xúc và lời đối thoại trong một số đoạn rất khó hiểu, không theo kịp, nhất là nhân vật Dominique và Toohey. Nhưng ngược lại, cái triết lý toàn bộ tác phẩm thì rất dễ nhận ra: tác giả đề cao chủ nghĩa vị kỷ (egoism) và hạ thấp, lên án chủ nghĩa vị nhân sinh (humanitarianism – không biết là chính xác không).

Hai dòng dưới đây là cách tôi hiểu lập luận của tác giả về quan điểm của bà:

1) Vị kỷ: Người làm việc với bộ óc độc lập của anh ta > Người sáng tạo > Người có cái tôi > Mối quan hệ với con người là thứ yếu > Sống cuộc sống của mình để vẫn là người sáng tạo để đạt những thành tựu vinh quang của loài người.

2) Vị nhân sinh: Kẻ sống dựa và những bộ óc của người khác > Kẻ ăn bám > Kẻ không có cái tôi > Đặt người khác lên trên bản thân mình > Sống thứ sinh, củng cố quan hệ của hắn đối với những người nuôi sống hắn (nuôi sống vật chất và tinh thần).

Tiếp đà, tác giả cho trận đấu giữa vị kỷ – vị nhân sinh được khoác lên một cái tên mới cá nhân – tập thể. Cần biết rằng, chủ nghĩa tập thể có thể tồn tại dưới nhiều hình thức: chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa dân tộc. Dễ dàng nhận ra tác giả đã căm ghét chủ nghĩa tập thể (collectivism) đến bực nào (vì bà đã trải qua cuộc sống trong và sau CMT10 Nga).

“Tất cả những cơn ác mông trong lịch sử đều được thực hiện với động cơ trá hình là chủ nghĩa vị nhân sinh” (Howard Roark).

Nếu bạn hỏi tôi có nên đọc quyển này không thì tôi sẽ không ngần ngại đáp rằng không nên. Nếu chỉ muốn nắm triết lý cơ bản của sách thì bạn chỉ cần xem khoảng 14 trang, từ trang 1145 – 1159 (tôi dùng bản của NXB Trẻ 2010).

Tìm thông tin để viết bài này, thấy rất nhiều bạn (nhất là trên THĐP) xem Suối nguồn “như một quyển Kinh Thánh”. Một thông tin mà tôi biết nhưng không kiểm chứng được: người đã có công mang tác phẩm này về Việt Nam thừa nhận việc phổ biến Suối nguồn là một sai lầm lớn thời “sửu nhi” của anh ấy. Không biết các bạn nghĩ thế nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *