Triều Nguyễn, với vai trò là triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta, để lại nhiều tư liệu nhất, cả tư liệu chữ viết và tư liệu hiện vật, cũng như gây ra tranh cãi nhiều nhất đối với giới học thuật ở cả trong và ngoài nước. Chối bỏ lịch sử cũng chính là góp phần tạo nên lịch sử. Bánh xe lịch sử đã xoay, việc nhìn nhận lại để đánh giá khách quan và đúc kết là cần thiết. Quyển sách này làm rất tốt vai trò đó.
Viết cảm nhận về một quyển sách đề tài lịch sử trong giới hạn 700 chữ là một công việc khó khăn. Trong giới hạn bài viết, tôi không có tham vọng trình bày mọi cảm nhận, đánh giá của bản thân vì như vậy, nó chắc chắn phải vượt hơn con số quy định. Nhưng trong khuôn khổ cuộc thi này, bản thân nghĩ việc giới thiệu lí do ta cần tìm đọc sách này là thực tế, cần thiết hơn dù nhu cầu và sở thích ở mỗi người có khác biệt, cũng như trước người viết, nhiều vị đã làm tốt hơn rất nhiều. Xin được mạn phép.

Vấn đề đầu tiên ta đặt ra khi xem quyển sách này chính là tại sao tác giả lại chọn giai đoạn 1847 – 1885. Giáo sư G.Condominas gọi đây là thời kỳ “mấu chốt” (période cruciale), nó vừa phản ánh kết quả của những sự lựa chọn trước đó, vừa là giai đoạn đưa ra những quyết định then chốt, mà đó là nguyên nhân tạo nên kết quả ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước.
Giáo trình lịch sử phổ thông cung cấp cho ta một số nét đại lược về giai đoạn này: Pháp tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) năm 1858; 1859 Pháp tấn công Gia Định,… Sự kháng cự yếu ớt của vua quan triều Nguyễn qua việc kí kết hiệp ước Nhâm Tuất 1862, hòa ước Giáp Tuất 1874, hòa ước Giáp Thân 1884 đưa nước ta từ một quốc gia độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Nhìn chung, nó cung cấp một cái nhìn phiến diện về sự bất tài, vô dụng của vua quan nhà Nguyễn.
Tác phẩm là luận án tiến sĩ (công trình khoa học) được tác giả trình bày lại dưới hình thức một quyển sách mà như lời nhà văn Nguyên Ngọc “gần như dưới dạng một tiểu thuyết”. Dưới góc nhìn khách quan của một nhà sử học Nhật Bản, bối cảnh nước Đại Nam được phác họa sinh động bằng những con người, những hành động, quyết định, xen vào đó là những mưu mô, toan tính, đó là một chuỗi những sự kiện liên tiếp “là phải như thế”; sự thất bại của nước ta mang tính tất yếu, là định mệnh dân tộc mà triều Nguyễn chỉ là một bánh răng trong khối động cơ “bản thể xã hội” đó. Sự thất bại mà cụ Phan Châu Trinh sau này đã tìm ra được nguyên nhân cốt lõi là “trong văn hóa” (lời cự Hoàng Xuân Hãn).
Khi được hỏi về Việt Nam giai đoạn hiện nay, GS Tsuboi cho rằng có nhiều nét tương đồng với giai đoạn mà ông đề cập trong quyển sách; tuy nhiên có hai điểm khác biệt tiến bộ hơn: tầng lớp trung lưu (tầng lớp văn thân ngày xưa) có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn và thế hệ trẻ Việt Nam ông gặp hầu như đều có kiến thức và khá cấp tiến. Ông đặt nhiều niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam.
Bài học có thể cũ nhưng nếu không học thì khó mà tiếp thu bài mới.
Cuối lời, một cảm xúc cá nhân, đó là lời cảm ơn đối với một sự kết hợp tuyệt vời Nhã Nam – Tri thức, có thể liệt kê: Khuyến học, sách của bác Tạ Chí Đại Trường. Hy vọng trong tương lai, sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho độc giả.
Link Nhã Nam đăng bài của tôi: https://sachnhanam.com/book-of-the-year-2016-nuoc-dai-nam-doi-dien-voi-phap-va-trung-hoa-pham-tan-tri/