Chuyện Sở VH-TT&DL Hà Nội đề xuất lần thứ hai việc đặt tên đường Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) và Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) ở Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây. Có rất nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất này, như công văn trả lời Sở VH-TT&DL rằng “hoàn toàn nhất trí” của Viện Sử học. Sự việc này lại càng “tô điểm” thêm một sự thật không thể chối cãi rằng cách thức tiếp nhận lịch sử và các bài học lịch sử của chúng ta có rất nhiều vấn đề. Ngoài Bắc là nhà Mạc, trong Nam là triều Nguyễn.

Triều Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng của nước ta, đã để lại nhiều giá trị. Triều Nguyễn lần đầu tiên xác lập quyền cai trị từ Lạng Sơn đến Cà Mau, có cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến (vua Minh Mạng), để lại một di sản Huế đồ sộ (nên nhớ rằng, trước khi triều Nguyễn chọn Huế làm kinh đô thì người dân Bắc Hà đều cho rằng văn hóa Huế là một văn hóa thấp), để lại nhiều tư liệu nhất… Nhưng trong cách tiếp cận lịch sử hiện tại của chúng ta, triều Nguyễn vẫn bị chối bỏ, có lý lịch cát cứ, và tiếng nhơ “cõng rắn cắn gà nhà”,…
Nhưng nên nhớ hai điều: một là theo quy luật của lịch sử, triều đại nào làm cho dân tộc tiến lên, tốt đẹp hơn sẽ tồn tại, triều đại nào quá suy đồi thì sẽ sụp đổ; hai là chối bỏ một phần lịch sử cũng là góp phần làm nên lịch sử cùa chúng ta.
Có một chi tiết quan trọng phải đề cập đến. Đó chính là việc Mạc Đăng Dung tự trói mình, xin hàng, dâng đất cho triều Minh năm 1540. Sách Việt Nam quốc sử bình diễn ca của Sào Nam Phan Bội Châu, tiết thứ ba, chương thứ tám, có đoạn:
“Lại việc này thêm xót tấm lòng
Tội khôi tại Mạc Đăng Dung
Hai châu bốn động hiến cùng triều Minh
Tuồng bán nước cầu vinh ai tá
Lần trước rồi, lại hứa sau thêm”
Chuyện này được kể trong Đại Việt sử ký toàn thư (là quốc sử của triều Lê), như vậy liệu có đáng tin, hay người ta bịa ra để nhục mà kẻ “tiếm vị”. Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, chính sử nhà Minh (bộ Minh sử) cũng nhận rằng Mạc Đăng Dung chỉ dâng những đất không có thực, hoặc đã thuộc triều Minh nhằm “xoa dịu” cái đầu hiếu chiến của triều Minh lúc bấy giờ.
Vụ việc xảy ra trong một thời điểm chính trị – quân sự nhạy cảm, kẻ viết thì nặng thuyết âm mưu, ôi thôi …
Trong một động thái không liên quan, chuyện biên giới Tây Nam diễn tiến phức tạp (cùng với Tây Nguyên) vừa được đề cập đến trong kỳ họp quốc hội thứ 10 mới đây.