Ngôn ngữ – Vỏ của tư duy

Thuở hồng hoang, khi con người trao đổi, diễn tả với nhau bằng những âm thanh ú ớ, những cử động chân tay. Dần dần, những âm thanh được phân biệt, mang ý nghĩa khác nhau, đó là tiền đề ra đời của tiếng nói. Nhưng tiếng nói chỉ phát ra tức thời, không lưu giữ lại được, từ đó phát sinh ra nhu cầu cần có một cái gì đó để lưu giữ lại những âm thanh, cử động. Và, chữ viết ra đời. Tiếng nói dùng trong sinh hoạt, còn chữ viết là một dạng vật thể. Do đó, tiếng nói có trước, quan trọng hơn chữ viết, là khởi nguồn, và độc lập cho chữ viết. Và chữ viết, tùy theo diễn đạt âm thanh hay cử động mà phân ra chỉ ý hoặc chỉ âm.
(Mở rộng một tí, thực ra chữ viết chỉ là một dạng mã hóa của tiếng nói, được hiểu thông qua thị giác. Một số kiểu mã hóa khác mà con người dùng các giác quan còn lại để hiểu tiếng nói như: chữ nổi (xúc giác), huýt sáo (thính giác),…


Nhờ có ngôn ngữ, con người có thể diễn đạt được tình và ý của mình cho nhau. Và cũng nhờ ngôn ngữ, con người bắt đầu định nghĩa những gì diễn ra ngoài thế giới và trong tinh thần mình một cách mạch lạc, rõ ràng. Mỗi người trong chúng ta chỉ có thể cảm xúc, tư duy và hành động trong phạm vi ngôn ngữ của bản thân. Ví dụ, khi tim ta chùng xuống, nặng trĩu, cảm giác bị thắt ở lồng ngực, nhoi nhói, ta biết đó là buồn; hoặc khi ta thấy môi hai người nam nữ chạm vào nhau, lưỡi cuốn vào với lưỡi, ta biết đấy gọi là hôn kiểu Pháp, tiếng dân dã gọi là ăn cháo lưỡi. Đó chính là khả năng hiểu thế giới và chính chúng ta của ngôn ngữ; và ngôn ngữ được gọi là vỏ của tư duy.


Vì vậy, người có khả năng ngôn ngữ thường có tư duy tốt hơn so với người ít có khả năng ngôn ngữ, là vì họ có khả năng diễn đạt những gì diễn ra xung quanh mình và bên trong họ bằng hệ thống ngôn ngữ trong họ (vốn được trau dồi tốt hơn). Nhưng nói như thế không có nghĩa là người ít có khả năng ngôn ngữ có tư duy không tốt. Khả năng ngôn ngữ tốt chỉ là điều kiện cần để có một tư duy tốt, ngoài ra, để tư duy tốt, còn cần các yếu tố khác như: sự vận dụng linh hoạt vốn ngôn ngữ (khả năng liên kết), sự tưởng tượng,… Một nhà văn giỏi, vì đơn thuần ông chọn lọc, sắp xếp và tưởng tượng các phần tử trong hệ thống ngôn ngữ của mình một cách hợp lý, tài tình, chạm được vào đôi mắt, con tim và bộ não độc giả.


Như đã nhấn mạnh ở trên, mỗi người chúng ta cảm giác, tư duy và hành động trong khả năng ngôn ngữ của mình. Vì vậy, tư duy của người học triết sẽ là rất khó hiểu đối với nhiều người trong chúng ta, vì họ có cả một kho từ (ngôn ngữ học gọi là hình vị) mà chúng ta hiếm khi dùng: tư biện, ý niệm, biện chứng, siêu hình, thực chứng,… hoặc cả những hình vị giống nhau nhưng mang ý nghĩa khác khi chúng được sử dụng trong triết học. Anh nhà báo có tư duy của anh nhà báo vì có cả một khái niệm “ngôn ngữ báo chí” cơ mà. Anh ngôn ngữ Nga, Tây Ban Nha thì có tư duy của… một anh Việt Nam học ngoại ngữ. :)) (đoạn này tôi viết cho một số người bạn tôi, không đọc cũng không ảnh hưởng đến nội dung toàn bài).


Ngôn ngữ Việt, do vận mệnh lịch sử, được hình thành dựa trên thế chân vạc của: tiếng Việt – chữ Nho – chữ Abc, là một ngôn ngữ đặc biệt. Đặc biệt như thế nào thì ta phải tìm hiểu sâu vào từng yếu tố trong 3 yếu tố kia, mà trong hạn chế của bài viết, tôi không có khả năng trình bày. Lưu ý ở đây rằng, chữ Nho không phải là chữ Hán và chữ Nho không phải là của Nho giáo. Tôi lưu ý ở đây vì rằng sẽ có người nói học chữ Nho là “thân Tàu”. Và nói thêm ở đây, tôi cổ xúy việc học chữ 1000 chữ Hán cơ bàn ở cấp bậc phổ thông. “Người Việt nào hô hào loại bỏ hết chữ Nho trong tiếng Việt không những vô ý thức mà còn phản bội công trình dung hoá của tiền nhân.”


Chữ Abc được dùng hiện tại, với 28 chữ cái và 5 dấu giọng mang đến sự tiện lợi vô cùng, nhưng cũng còn nhiều bất cập cần được cải cách. Và trong quá trình đó, không thể thiếu sự hiện diện của chữ Nho. Ví dụ: hiện nay, trong các ngành khoa học của nước ta, có một bất cập tồn tại, đó chính là hệ thống từ vựng khoa học chuyên ngành. Có rât nhiều từ ta không thể nào chuyển nghĩa qua tiếng Việt hoặc nếu chuyển qua thì làm mất đi ý nghĩa gốc. Tình trạng này xuất phát từ nguyên do ta đơn thuần sử dụng mẫu tự Abc mà bỏ quên chữ Nho (hơn 90% danh từ học thuyết chuyên môn là chữ Nho), và quan trọng hơn là không có một người/nhóm người đứng ta tạo nên một công trình cải cách thuật ngữ.


Theo Nguyễn Tiến Văn và Đào Mộng Nam thì “Từ năm 1945 thực tế đã chứng tỏ chữ Nho và chữ Abc có thể giúp ta tạo đủ chữ cho bất cứ lãnh vực nào cần dùng trong hiện tại hoặc tương lai”.


Một công việc được nhiều người đánh giá là có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực triết học nói riêng và khoa học xã hội nói chung của người Việt đầu thế kỷ này chính là việc biên soạn hai bộ từ điển Kant và Hegel của Bùi Văn Nam Sơn. Những hình vị trong hai bộ từ điển này sẽ mang đến những điểm mới trong việc tư duy. Cần nhiều hơn những công trình này trong các ngành khoa học ở Việt Nam.


Ở mức độ cá nhân, để rèn luyện tư duy, đầu tiên phải bắt đầu bằng việc trau dồi ngôn ngữ: bao gồm tiếng Việt và ngoại ngữ. Trau dồi tiếng Việt thì chắc chăn tốt nhất là đọc sách. À tôi lại cổ xúy đọc sách đấy. Còn học ngọai ngữ sẽ làm phong phú hơn vốn từ, cũng như cách tư duy của người nói/viết ngôn ngữ đó (à, dĩ nhiên một con mèo học cách kêu ẳng ẳng cũng không thể trở thành con chó được).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *