Hoàng Diệu

“Đi thăm mộ Hoàng Diệu. Nếu ở Nam Bộ đồng bào gọi là lăng. Công lao của Hoàng Diệu đối với đất nước còn hơn mấy ông vua cùng thời. Phần mộ khiêm tốn quá, giữa cánh đồng lúa, vắng vẻ, xa xóm làng. Ông đã thắt cổ tự tử, khi đánh Pháp, chống giữ thành Hà Nội lần thứ nhì (1882), Đang trực chiến với giặc quá mạnh thì bọn nội ứng đã cho nổ kho thuốc súng trong thành. Bấy giờ, cấp bậc của ông là Tổng đốc, cai quản 2 tỉnh, ông tự tử trong khi bà vợ đang nhổ cỏ ruộng lúa, như một nông dân lam lũ. Bà mẹ ông rất trong sạch. Lúc làm quan, có lần ông gửi về cho mẹ một vóc lụa. Bà mẹ không nhận, gởi trả lại cho con, kèm theo một nhánh dâu, tượng trưng cho ngọn roi, để cảnh cáo đứa con đừng nhận quà cáp gì của dân.” (Trích từ “Đi rong Quảng Nam” của ông Sơn Nam).

Ông run rẩy, cẩm ngọn roi ngắm nghía, nhớ lại hồi bé trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá, bắt ông nằm sấp xuống, cầm roi quất một cái vào mông. Hôm nay những vết roi vô hình của mẹ lại quất lên mông, nhói đau hơn cả vết roi lần trước, tưởng chừng thịt da rát bỏng.

Ông lại mường tượng cảnh trong ngôi nhà ba gian lạnh lẽo ở thôn Xuân Đài, bà cụ lưng còng tóc bạc, lẩy bẩy bắc ghế trèo đứng lên với lấy cây roi giắt trên mái nhà xuống, gạt mồ hôi, thở hổn hển. Không ngờ đến lúc mẹ tuổi già, mà con còn để mẹ phải buồn giận vì con.

Bài thơ “Kiếm bên roi” của ông:

Kiếm ta sắc chừ, chém đầu quân giặc,
Roi ta mạnh chừ, trị lũ tham quan,
Có roi thiếu kiếm chừ, nước sao vững,
Có kiếm thiếu roi chừ, dân không an
Kiếm bên roi chừ, nguyện lòng son sắt,
Roi bên kiếm chừ, đẹp nghĩa chi lan…

Phần mộ của ông ở quê nhà Thôn Xuân Đài, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.. Ông còn được thờ trong đền Trung Liệt (cùng với Nguyễn Tri Phương) trên gò Đống Đa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *