
Đọc ông lần đầu qua quyển “Giai thoại Chúa Nguyễn mở đất phương Nam” đã bắt đầu thích cái tên Nguyễn Hữu Hiếu. Khoảng 2 năm trở lại đây, vô tình đọc vài bài nghiên cứu của ông về Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung nên bắt đầu có sự chú ý nhiều hơn. Đợt về Đồng Tháp, tìm thông tin mới biết ông hiện là Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, và đặc biệt là cùng quê Bến Lức (mảnh đất Bình Đức chân chất). Qua giọng văn, cảm nhận về ông như một con người dung dị, âm thầm và lặng lẽ nghiên cứu, cống hiến cho mảnh đất phù sa hai mùa mưa nắng này, như mấy ông già Sơn Nam, Trương Ngọc Tường, … mà tôi yêu quý.
Mua quyển sách này trong lúc điều kiện về kinh tế cũng không khả quan gì cho lắm, nhưng vì thích nên bóp bụng. Chưa đọc, nhưng nhìn qua mục lục, xem độ mươi trang và cảm nhận ở ông tính nghiêm túc trong khoa học nên tin chắc là sau khi nuốt trọn quyển này, sẽ hiểu rõ về con người ĐBSCL, chí ít trên lĩnh vực văn hóa (từ cái ăn, cái mặc, tổ chức đời sống, ứng xử với môi trường, nghệ thuật,…).
Cũng trong khoảng 2 năm trở lại đây, bắt đầu đặt vấn đề về tính địa phương cục bộ trong những quyển sách như thế này; nhưng chưa lấy gì làm chắc chắn để phản biện vì trình độ nhận thức và trải nghiệm thực tiễn còn hạn chế. Vậy nên giờ vẫn cứ nghiền ngẫm mấy ông già này, về sau xem xét nghiêm túc lại.