Nói về đặc trưng cây xanh thì nếu như ở Hà Nội là “nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du những đêm HOA SỮA thơm nồng” (Nhớ về Hà Nội – Hoàng Hiệp) thì Sài Gòn có “Con đường có LÁ ME bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…”

Bài hát Con đường có lá me bay (thơ Diệp Minh Tuyền, Hoàng Hiệp phổ nhạc) ắt hẳn đã hằn sâu trong kí ức của dân cựu trào Sài Gòn hoặc những ai thích dòng nhạc trữ tình thời chiến này. VẬY CON ĐƯỜNG CÓ LÁ ME BAY LÀ ĐƯỜNG NÀO ?
Có lẽ học sinh trường Lasan Taberd (nay là trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) biết rõ điều này nhất. Chiều chiều tan trường, từng tà áo dài thướt tha trên con đường rợp bóng me xanh ngắt, cảm giác thật trong trẻo, tràn đầy nhựa sống. Mỗi khi trời mưa, “mưa me” rơi lộp bộp từ tán lá xuống tóc, mặt, đọng trên mi, vương trên cánh mũi, … lá me rải khắp mặt đường, vạn vật như vừa trải qua một quảng nghỉ ngắn để bắt đầu guồng quay mới.
Vâng, tôi đang nói đến con đường Nguyễn Du dài khoảng 2.266m, lộ giới 20m, chạy từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Cách mạng tháng Tám, thuộc các phường Bến Nghé và Bến Thành, quận 1 và có 250 cây me. Con đường này đã là cảm hứng cho rất nhiều bài hát đi vào lòng người: Em còn nhớ hay em đã quên (Trịnh Công Sơn), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Sài Gòn trên đường Nguyễn Du, …
“Cây me của các đô đốc” có tên khoa học là Tamarindus India, còn có tên là Tamarind tree, thuộc họ Vang – Caesalpiniaceae, nguồn gốc từ châu Phi và Ấn Độ, được trồng trên đường Nguyễn Du vào năm 1895 với khoảng cách 5m/cây. Ngoài ra, một số con đường có lá me bay khác: La Grandière (Lý Tự Trọng), Catinat (Đồng Khời),Espagne (Lê Thánh Tôn), Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), …
Cây me đã và đang chứng kiến sự hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn. Trong lúc ngồi viết mấy dòng này, tôi bất chợt nhận ra rằng mình đang ngân nga:
“Em đi đâu về mà tóc đầy me
Em ngồi em chải, nghĩ gì vui thế …”
06/7/2014