
Bà cụ đi lạc do khám bệnh ở Gò Vấp, lên xe số 8 đoạn Hoàng Văn Thụ. Lụm khụm, bà được một anh thanh niên đỡ lên xe, rồi được nhường ghế. Anh hỏi chị lơ “về Thủ Đức hết nhiêu chị?”. Chị lơ bảo thôi, cho cụ quá giang. Bà cụ già yếu rồi, bảo “thôi con, bà mới được người ta cho tiền, con không cần trả cho bà”. Tai bà cũng lãng, chị lơ hét to mấy lần là cho quá giang nhưng vẫn cứ lặp lại “để bà trả”, giọng nghẹn ngào. Chị này không hiền, nãy giờ mấy lần quát sinh viên, nhưng thỉnh thoảng lại liếc nhìn bà cụ, trong ánh mắt chị, mình thấy có sự xa xăm như đang nhớ tới mẹ mình. Thằng ngồi kế mình, tầm tuổi, khóe mắt đỏ hoe, mình nhìn qua, chợt quay đi như mắc cỡ.
Trên xe nhiều người hỏi thăm bà này nọ nhưng ai cũng có việc riêng nên hỏi là hỏi vậy thôi. Bà xuống trạm chợ Thủ Đức. Linh tính mình mách bảo có chuyện cần theo nên mình xuống trước mấy trạm chung với một bạn nữ. Bạn nữ hỏi thăm, hỏi xe đa ôm chở bà về rồi gửi tiền. Cũng may gần đó nhiều người, cô này 50 chục, chị kia hai mươi, … Một anh tình nguyện chở bà về không mất tiền. Chị quán cơm gần bảo: “Tui gửi anh năm chục đổ xăng nè, lấy đi cho tui vui”. Mình ngồi sau đỡ bà không ngã.
Bà ở bên chợ Gò Công mút quận 9, đi khoảng nửa tiếng. Trên đường hỏi chuyện, bà tuổi Tị, năm nay 85 tuổi, chồng làm cộng sản, mất hai chục năm rồi. Bà có 12 người con, đi kháng chiến, bây giờ còn 6 người, trong đó 1 người bị tật chân, một người không bình thường, 4 người còn lại bà bảo “nó hỗn quá”. Hộ khẩu trên CMND bà ở Phú Nhuận, nhưng bà bảo ” nhỏ con vay tiền, bị siết nợ 6 năm nay rồi con”. “Chắc kiếp trước sướng nên giờ bà khổ vầy nè”.
Tới chỗ, hỏi chú bán tạp hóa đầu hẻm, biết bà này ở đây lâu rồi, nên mình và anh yên lòng quay xe về. Tới đây, mình sẽ không phải viết, nếu không trò chuyện với anh đi cùng. Hỏi ra, vợ anh mất 5 năm do tai biến, anh “gà trống nuôi con” 2 đứa, đứa lớn cấp 3, nhỏ cấp 2. Giờ anh đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Anh còn là phật tử, trong chùa có chuyện gì thì anh phụ hợ. Ngồi sau xe, gió cũng bạt nhưng không đến nổi mạnh để làm cay khóe mắt. Tới nơi, mình chỉ biết nói cảm ơn anh, gửi anh năm chục, nói: “Anh cầm uống cafe, thuốc lá nha”.
Nghiệm ra rằng, người nghèo khổ chính là những người cho đi nhiều nhất, vì họ không sợ mất mát gì cả. Điều họ cho đi cũng là vô giá, là tấm lòng chân thành chứ không ở vật chất. Dường như có một mối liên kết vô hình giữa họ; khi khó khăn, hãy yên lòng, vì tôi tin rằng, sâu thẳm trong trái tim, vẫn còn ở đó lòng “nhơn nghĩa” của con người với con người.
Chợt, tôi nhớ:”Thấy câu kiến nghĩa bất viLàm người thế ấy, cũng phi anh hùng”Ai cũng là anh hùng, vì ai cũng có trái tim.