Những ngày cuối năm Bính Thân, trời se lạnh. Cái Tết cận kề, có lẽ đây là cái Tết tôi không trông đợi nhất, nếu không muốn nói là tốt hơn không nên có cái Tết này. Tôi chắc chắn sẽ đối mặt với muôn vàn câu hỏi mà đáp án trả lời hay nhất là chỉ biết mỉm cười. Trống rỗng, hụt hẫng chưa phải là từ thể hiện rõ tâm trạng này. Tôi không trống rỗng, hụt hẫng. Tôi chỉ cần một thứ có thể tràn đầy tâm hồn mình để vơi đi cái quái quỷ gì đó đang ngự trị sâu thẳm trong tâm hồn mà tôi chưa biết gọi tên.
Cái thứ dễ dàng lấp đầy thể xác và qua đó khiến tâm hồn con người ta rộn ràng dễ dàng nhất chính là tiền bạc. Tiền bạc rủng rỉnh túi thung thăng dạo chơi phố phường những ngày này làm con người ta thoải mái tâm hồn lắm, mặt nhìn ai tươi cười thì chắc chắn họ đang dư dả. Tôi chẳng được thế. Nếu nói là cạn túi thì không hẳn, nhưng không có đồng vào đồng ra, cứ vơi dần, và có lẽ ngày cuối năm sẽ không còn đồng nào.
Vì thất nghiệp nên thế. Cái này mới đau khổ nhất. Nhìn quanh quẩn bạn bè, không việc cao thì cũng việc bình thường, chỉ riêng ta thì vẫn nằm nhà chờ chực cơm mẹ, mà cơm mẹ ăn cũng không ngon vì mùi cơm có lẫn mùi ái ngại. Bác tôi, dù không còn nhìn thấy hay đi đứng được vì tiểu đường giai đoạn cuối, cũng cố gắng dùng mối quan hệ cũ xin cho một vị trí ở huyện. Cô thì bảo xuống làm phụ công ty dưới bãi cát. Tôi không vâng lời họ. Tôi không phải là không tìm được một công việc. Tôi đang chờ đợi một thứ khác.
Miền Tây cuối năm là khoảng thời gian nhà nông nhàn rỗi, dựng vợ gã chồng cho con cái mình. Và con cái họ thì cỡ lứa tuổi tôi. Tiền đã ít cứ vơi đi theo từng đám, cộng thêm nhìn thấy đôi lứa bạn bè hạnh phúc, dù là trong cơn chè chén say sưa còn thấy tủi, nỗi buồn dễ thấu hiểu của những kẻ cô đơn.
Là kẻ đọc sách, cái khổ của việc thiếu thốn tình tiền vẫn là chịu đựng được, vì chí ít còn có thể diễn giải bằng lý luận. Cái mớ lý luận đó, những tưởng nó là thứ cứu vớt cái tâm hồn thiếu thốn của mình, nhưng tôi lầm to; cái dằn vặt trong tâm khảm về những tri thức thu nhặt nhưng không tiêu hóa hoặc lạc lõng trên con đường tri thức mới thật kinh khủng làm sao. Những giáo lý cũ mâu thuẫn với điều nhận thức mới, những giá trị cũ không còn phù hợp trong những điều kiện xã hội mới, hoặc chính những tri thức tự chúng mâu thuẫn, đấu đá nhau trong tâm trí kẻ tài hèn sực mọn, nhọc người làm sao.
Không có một nắm tiền, cũng không có một chút tình, tôi chỉ còn một mớ tri thức hỗn độn không dùng được vào việc gì. Cuối năm, rỗng tuếch.
“Sinh niên bất mãn bách
Thường hoài thiên tuế ưu”