Một số facts về Kim Dung và tác phẩm của ông

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung (phồn thể: 查良鏞, giản thể: 查良镛, bính âm: Cha Leung Yung), sinh vào ngày 6 tháng 2 năm 1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, địa cấp thị Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong một gia tộc khoa bảng danh giá.

  1. Võ lâm minh chủ

Trong 5 “đại gia” tiểu thuyết võ hiệp tân phái, Kim Dung là người có số lượng tác phẩm ít nhất, với “chỉ” 15 bộ. Con số ấy là rất khiêm tốn so với 4 “đại gia” khác: Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ngọa Long Sinh và Ôn Thụy An.

Nhưng đại hiệp Kim Dung lại được giới hâm mộ và các nhà nghiên cứu phê bình công nhận là “võ lâm minh chủ”. Nguyên nhân chủ yếu của sự nhất trí này là do tiểu thuyết Kim Dung đều là những “tinh phẩm thượng thừa” của tiểu thuyết võ hiệp tân phái.

2. Số lượng tác phẩm

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung tổng cộng 12 bộ trường thiên, 3 bộ đoản thiên, cụ thể:

  • Trường thiên: Phi hồ ngoại truyện, Tuyết sơn phi hồ, Liên thành quyết, Thiên long bát bộ, Xạ điêu anh hùng truyện, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thư kiếm ân cừu lục, Thần điêu hiệp lữ, Hiệp khách hành, Ỷ thiên Đồ long ký, Bích huyết kiếm.
  • Đoản thiên: Việt nữ kiếm, Uyên ương đao và Bạch mã khiếu tây phong.

Một người bạn của Kim Dung là Nghê Khuông phát hiện rằng chữ đầu tiên của tựa đề 14 tiểu thuyết tạo thành hai câu thơ thất ngôn:

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên
Dịch nghĩa:
Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

3. Tiểu thuyết đầu tiên & cuối cùng

Thư kiếm ân cừu lục viết sớm nhất (2/1955 – 9/1956). Lộc Đỉnh ký hoàn thành sau cùng (11/1969 – 9/1972).

4. Tiểu thuyết dài nhất & ngắn nhất

Thiên Long bát bộ dài nhất (gần 2 triệu chữ), viết lâu nhất (khoảng 4 năm). Việt Nữ kiếm ngắn nhất. Tuyết Sơn phi hồ là bộ trường thiên ngắn nhất.

5. Tiểu thuyết có nhiều nhân vật nhất

Lộc Đỉnh Ký sở hữu nhiều nhân vật nhất (1230), đứng thứ nhì là Thiên Long bát bộ với 1211. Việt nữ kiếm ít nhân vật nhất với 16 nhân vật.

6. Tiểu thuyết yêu thích nhất

Khi nhận được câu hỏi: “Ông nghĩ bộ tiểu thuyết nào của hay mình hay nhất?” trong một cuộc phỏng vấn thì nhà văn Kim Dung trả lời rằng là bộ Lộc Đỉnh ký. Rất nhiều độc giả hoàn toàn không đồng ý với ý kiến của ông, tuy nhiên ông đáp: “Tôi rất thích sự không đồng ý của họ.”.

Hỏi: “Ông thích bộ tiểu thuyết nào của mình nhất?”
Đáp: “Câu hỏi này rất khó trả lời, nên tôi thường không trả lời. Còn nếu bàn về “mình thích”, thì tôi thích mấy bộ có tình cảm mãnh liệt hơn như Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên Đồ long ký, Phi hồ ngoại truyện, Tiếu ngạo giang hồ.”

7. Đại cao thủ có võ công cao cường nhất

Độc Cô Cầu Bại là nhân vật độc đáo nhất trong các tác phẩm của Kim Dung. Nhân vật này chưa bao giờ xuất hiện trong tác phẩm, nhưng có võ công tuyệt đỉnh. Chỉ có tên được nhắc đến trong Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký. Có thể nói đây chính là nhân vật mạnh nhất trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

8. Môn phái, giáo phái, bang phái

Về chất lượng của các bang, phái trong truyện Kim Dung thường nhắc đến Thiếu Lâm, Cái Bang (mệnh danh là Thái Sơn và Bắc Đẩu trong võ lâm) và Minh Giáo, về môn phái thì Thiếu Lâm là nhất, về bang hội thì Cái Bang mạnh nhất, còn về giáo phái thì Minh Giáo mạnh nhất. Tuy nhiên đọc hết các tác phẩm của ông thì ta thấy đó chỉ là cái hư danh.

9. Dịch giả tác phẩm Kim Dung nổi tiếng nhất

Hàn Giang Nhạn (1909-1981), có bút danh Thứ Lang và Vô Danh Khách, được nhiều người ca ngợi là nhà dịch truyện Kim Dung tài tình nhất.

10. Tác phẩm bị nghi ngờ do người khác viết

Lộc Đỉnh ký từng bị nghi ngờ là do người khác viết

Là bộ tiểu thuyết cuối cùng của Kim Dung viết, khi được đăng trên báo, một số độc giả có gửi thư về cho ông và hỏi xem bộ này có phải do chính tác giả viết không vì có sự khác biệt rất lớn với những tác phẩm trước, nhất là hình tượng nhân vật chính không phải là một anh hùng với lòng can đảm cũng như võ công cái thế. Tác giả trả lời rằng “Thật ra bộ này đương nhiên hoàn toàn do chính tôi viết…. Lộc Đỉnh ký khác hẳn với những tiểu thuyết võ hiệp trước đó của tôi, đó là cố ý. Một tác giả không nên lặp lại phong cách và hình thức của mình, phải cố gắng hết sức tìm kiếm những sáng tạo mới.”.

11. Hành tinh mang tên ông

Tên ông được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), là tiểu hành tinh được tìm ra trùng với ngày sinh âm lịch của ông (6 tháng 2).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *