Sầu đông càng gạt lại càng đầy

Bánh xe lịch sử xoay tiến, để lại tên tuổi nhiều bực anh hùng lưu danh muôn thuở, và cả những con người bị chính bánh xe ấy vùi lấp không thương tiếc trong guồng quay vô tình của nó. Họ là những kẻ tài cao, đức dày nhưng bất đắc chí, gọi hoa mỹ như trong Phật giáo là “sở cầu bất đắc” (một trong bát khổ của con người). Trương Gia Mô (hiệu là Cúc Nông) có một số phận thê thảm như vậy.

Lưng rùa, mắt lé, cử chỉ rụt rè, không mấy ai tin bên trong con người đó là một tinh thần thanh khiết, một chí khí hạo nhiên ẩn tàng, với bao nhiêu tâm trí dồn cả vào việc nước. Mới ngoài 20 tuổi, ông đã dâng vua bản điều trần, gồm 5 việc

  1. Mở rộng trường dạy chữ Pháp ở các tỉnh, dịch sách Pháp và Trung Quốc ra chữ quốc ngữ để tiện phổ biến, nhằm mở mang dân trí.
  2. Chấn hưng công nghệ thực nghiệp, mở rộng việc khai hoang, chăm sóc, chữa bệnh cho dân nghèo.
  3. Cách chức các quan lại tham nhũng, sàng lọc những viên chức vô dụng trong bộ máy công quyền.
  4. Lập nghị viện, mở báo quán để rộng đường dư luận.
  5. Chỉnh đốn hương tục, đẩy mạnh việc giáo hóa trong xã hội, ngăn ngừa sự đồi bại.

Không ai nghe, chán nản, ông từ quan, giao du với nhiều người trong cuộc Duy Tân, Minh Tân. Ông cùng Phan Chu Trinh tổ chức, truyền bá việc duy tân, cải cách, và chính ông đã viết thư giới thiệu người thanh niên Nguyễn Ái Quốc vào dạy trường Dục Thanh. Một thời gian, ông bị tù giam ở Khánh Hòa vì liên quan đến vụ đấu tranh chống sưu thuế ở Trung Kỳ.

Những năm cuối đời, ông lại trở vào Nam, phiêu bạt giang hồ, mang theo tâm trạng phẫn uất, có lúc thẫn thờ như điên như dại và ông tìm quên trong men rượu, khói thuốc phiện. Hai câu thơ gói gọn niềm riêng của ông:

“Sầu đong càng gạt lại càng đầy,
Cũng muốn khuây mà khó nỗi khuây!”

Sau rốt, để kết thúc cuộc đời đau khổ của mình, ông chọn núi Sam làm nơi gửi xác, trèo lên đỉnh rồi lao mình xuống tự vẫn. Xác ông vướng vào một tảng đá to rồi tạt qua vắt trên một cành cây, thịt nát xương lìa.

Hay tin, nhiều tờ báo lúc bấy giờ đồng loạt đưa tin với thái độ nể trọng và tiếc thương vô hạn; bạn bè, nhiều trí thức và học giả nổi tiếng như hai cụ Phan, Huỳnh Thúc Kháng, Đông Hồ, … đều làm thơ điếu ông.

Em muốn thăm anh chữa kịp vào
Đi đâu? anh vột trốn tìm sao?
Lánh Tần may có nguồn đào nữa,
Tìm Tống e không mảnh đất nào.
Mây bạc non sông người vắng vẻ,
Chim vàng đưa gió bạn lao xao.
Giang Nam còn phú kìa ai nhớ,
Máu quốc đầu gành mấy đoạn đau.

(Sào Nam Phan Bội Châu)

Đành yên một giấc nghìn thu, Châu Đốc há rằng quê quán khách,
Trót hẹn chiếc thân bốn bể, Việt Nam đâu cũng nước non nhà.
Non Sam muốn hỏi người xưa, mây nước chạnh đau lòng hậu bối;
Thành Trúc qua thăm dấu cũ, cỏ cây còn nhớ khách cao hiền.

(Thi sĩ Đông Hồ)

Ông sáng tác khá nhiều, nhưng trước khi tự vẫn, ông đã cho chôn tất cả vào một nơi gọi là Cúc Nông thư trũng (mồ chôn sách của Cúc Nông), này chỉ còn độ 35 bài thơ chữ Hán, 10 bài thơ chữ Nôm.

Những nơi ông đi qua như Long An, Bình Thuận, Huế, … đều có những con đường mang tên ông. Đặc biệt, dưới chân núi Sam, có một trường THCS mang tên ông: Trương Gia Mô.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *