Địa danh Gò Đen

Địa danh Gò Đen, hiện nay vẫn chưa xác định rõ về nguồn gốc và thời gian ra đời. Xem trên bản đồ năm 1878 thì rõ ràng đã có địa danh Gò Đen, như vậy thì chắc chắn Gò Đen đã là tên gọi trễ nhất là từ thế kỷ XIX. Về nguồn gốc thì tôi nghe qua 3 tích sau đây:

  • Vùng này trước kia người ta nuôi vịt nhiều. Đêm đến, người nuôi vịt đốt đèn trên gò cao để canh vịt; người qua đường thấy có ánh sáng lấp lánh gọi đó là Gò Đêm, lâu ngày đọc trại thành Gò Đen.
  • Vùng này có truyền thống nấu rượu lâu đời. Thời thuộc Pháp, người Pháp cấm nấu rượu đế; người dân phải lén lên gò cao, nơi có những lùm cây rậm rạp, tối tăm để nấu rượu. Do nấu lâu này, gò đất bị cháy đen, từ đó mọi người gọi vùng này là Gò Đen.
  • Vua Gia Long tẩu quốc đến vùng này thì trời đã sẫm tối. Nhìn xa xa phía gò đất cao cao thì do trời lại tối nên gọi Gò Đen, sau đó ông đi thêm đến một gò khác thì nghỉ chân, chỗ đó nay gọi Gò Vua (thuộc xã Tân Bửu, huyện Bến Lức).

Tôi nghiêng về giả thiết thứ nhất vì xem trên bản đồ Nam Kỳ trước năm 1878 (có các bản đồ những năm 1861, 1863, 1868) toàn sử dụng tên “GoDem” và đúng là vùng này ngày xưa nuôi rất nhiều gà vịt mà bằng chứng là ngày nay ở Bình Chánh vẫn còn một trạm kiểm dịch và địa điểm họp chợ đêm gà vịt ngày xưa nay là một cây xăng.

Tên gọi Gò Đen chính thức là một địa danh hành chính vào ngày 04/02/1947 khi quận Trung Quận (hay còn gọi quận Trung Ương) đổi tên thành quận Gò Đen thuộc tỉnh Chợ Lớn (do quận lỵ dời về thị tứ mang tên Gò Đen, vốn thuộc địa bàn làng Phước Lợi, nay có thể là Ủy ban nhân dân xã Phước Lợi).

Lưu ý, cần phân biệt tỉnh Chợ Lớn là một đơn vị hành chính riêng biệt so với thành phố Chợ Lớn. Tỉnh Chợ Lớn bao gồm 4 quận: Trung Quận, Cần Đước, Cần Giuộc và Đức Hòa; còn thành phố Chợ Lớn là địa danh mà chúng ta vẫn thường gọi (nơi có chợ Bình Tây, là toàn bộ quận 5 và quận 6, một phần quận 8, quận 10 và quận 11).

Quận Gò Đen (quận Trung Quận trước đó) gồm bốn tổng: Tân Phong Hạ, Long Hưng Thượng, Long Hưng Trung và Long Hưng Hạ. Quận lỵ: Chợ Lớn (thành phố Chợ Lớn).

Ngày 8 tháng 4 năm 1957, ba tổng: Tân Phong Hạ, Long Hưng Thượng và Long Hưng Trung thuộc quận Gò Đen của tỉnh Chợ Lớn giải thể được sáp nhập vào tỉnh Gia Định, lập nên quận Bình Chánh mới. Riêng tổng Long Hưng Hạ thuộc quận Gò Đen, nhập vào quận Bến Lức mới lập của tỉnh Long An. Như vậy cũng từ năm 1957, quận Gò Đen chính thức bị giải thể.

Như vậy, địa danh Gò Đen chỉ tồn tại chính thức trong khoảng hơn 10 năm, với diện tích lớn nhất vào khoảng 100 cây số vuông (Tôi dựa vào số liệu về diện tích của 4 tổng trong sách De Saigon à HoChiMinh Ville 300 ans d’histoire của cụ Nguyễn Đình Đầu), khi ấy nó áng chừng bao gồm:

  • Quận 8: phường 1, 2, 3, 4 , 5, 6, 7, 8, 9.
  • Huyện Bình Chánh: toàn bộ các xã Bình Hưng, Phong Phú, Đa Phước, Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Túc, Bình Chánh; một phần các xã Lê Minh Xuân, một phần các phường Tân Tạo, An Lạc.
  • Huyện Bến Lức: toàn bộ Thị trấn Bến Lức, xã Phước Lợi, Mỹ Yên, Long Hiệp, Tân Bửu, Thanh Phú, xã An Thạnh, một phần xã Tân Hòa và xã Lương Hòa.

Ngày nay, địa danh Gò Đen chỉ còn là địa danh cửa miệng gọi địa phận của 3 xã: Phước Lợi, Mỹ Yên, Long Hiệp, nổi tiếng có rượu Gò Đen toàn cồn là cồn : ))

P/s: màu xanh là quận Gò Đen xưa, còn phần màu đó là địa phận 3 xã Phước Lợi, Mỹ Yên, Long Hiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *