Tri nhàn chi nhàn, hà thời nhàn

Bữa trước, cốt nhậu của tôi, thằng Khoa Lăng Đê, có nói một câu, nguyên văn thế này:“nhàn nhã chứ đừng có làng nhàng nha chú”. Tôi “thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”, ngẫm thì câu này không sai nhưng, ý nghĩa chỉ dừng lại ở mức độ hiểu cái nhàn ở đây như một trạng thái của cơ thể, như Bá Linh, cũng bạn tôi, hay bảo là “nông nhàn” (tức thời gian nhàn rỗi của nhà nông giữa vụ mùa, dùng để đánh tổ tôm hay chè chén, hút xách).

Thực ra, như cụ Bùi Kỷ thơ “Cái nhàn đã lạ lùng hay chưa”, cái nhàn không hẳn chỉ là một trạng thái của cơ thể, tức là không hoạt động gì cả, mà nhàn, thực lạ lùng, là một phương thức sống, là hành động cao cả nhất, là sự trăn trở với tinh thần bên trong ta, tức thuộc về cái bên trong chúng ta. Nhàn cũng không phải là để cái tinh thần bên trong ta được giải trí, mà đó là sự rèn luyện cái tinh thần bên trong ta, nó đòi hỏi các động tác tương tác, phản biện giữa cái bên ngoài (vật chất) và cái bên trong (tinh thần) để đạt đến một mức tới hạn nào đó khi mà mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần không còn quan trọng với ta nữa, tạm gọi là đạt quan.

Ta phải công nhận rằng không phải một cơ thể bận rộn thì không thể nhàn được. Nhàn hay không là một lựa chọn, mà ở đó, bạn chọn lựa cho mình “sống nhàn” hay “sống không nhàn”, tùy thuộc vào sự rèn luyện phần bên trong mỗi con người của ta. Tôi có một minh chứng hùng hồn cho luận điểm này, rằng là toàn bộ bài này tôi biên trong đầu lúc đang quét sân, tức là cơ thể tôi bận rộn, nhưng tâm trí tôi lại tự đối thoại để tạo ra bên trong tôi một trạng thái đạt quan. Và khi tôi gõ những dòng này tức là tôi chuyển trạng thái đạt quan đó sang một ngôn ngữ cụ thể.

[[[[Nói đi phải nói lại, một cơ thể trong trạng thái rãnh rỗi không hẳn là đang đang sống nhàn, tức là đạt quan ở mức độ nào đó. Đội khi, cơ thể ta thoải mái nhưng tâm trí ta luôn phải đấu tranh tự bản thân nó và chưa đạt đến một trạng thái đạt quan nào đó, vì vậy, ta chưa hạnh phúc. Nói một cách dễ hiểu là đôi khi, bản thân chúng ta tự cảm thấy trong mỗi người có những mâu thuẫn khó giải bày thành lời, đó là vì nội tâm chúng ta đang tự vấn, chưa đạt đến trạng thái gọi là đạt quan]]]] – Phần này tôi viết thêm khi say, xem cẩn thận, phán xét, haha, mà đấy, thấy không, nhậu nhưng tôi vẫn đạt quan một cách bình thường.
Biểu tượng cảm xúc colonthree
Chính điều chúng ta xem phần bên ngoài [vật chất] là hạnh phúc khiến ta mãi không hạnh phúc. Vật chất bên ngoài thì vô hạn [với mỗi con người], mà mức độ của lòng tham trong con người do đạo đức quyết định, vì vậy rèn luyện đạo đức sẽ quyết định mức độ thỏa mãn nhu cầu vật chất, từ đó quyết định trạng thái hạnh phúc của ta. Như vậy rèn luyện phần bên trong [bao gồm đạo đức] sẽ là sự phán xét xem ta có hạnh phúc hay không.

Vì vậy, hãy nhớ rằng, nhàn hay không, không phải do trạng thái bận rộn của cơ thể, mà là một lựa chọn phương thức sống bằng cách tự rèn luyện phần bên trong mỗi chúng ta, và đó là nền tảng cho một hạnh phúc dài lâu.

Sau khi viết xong bài này một thời gian, tôi vô tình xem được một tư tưởng gần như không khác, được diễn đạt qua hai câu:

“Tri túc chi túc, hà thời túc
Tri nhàn chi nhàn, hà thời nhàn”

Thì ra cách đây khoảng 2600 năm, Lão Tử đã nói rồi, mà giờ tôi mới nghiệm được. Ô hô thật là …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *