Nhân dịp sáng này lướt face thấy hình nhà của ông Wang Tai xưa, mình xin được phép kể chuyện mọi người nghe trong một buổi chiều mưa lất phất về mấy cái long mạch ở cái đất Sài Gòn này. Sài Gòn xưa có tổng cộng 3 cái long mạch.

- Cái long mạch thứ nhất: như nhiều bạn đã biết về câu chuyện xây dựng Hồ Con Rùa là do Nguyễn Văn Thiệu muốn giữ đất long mạch đoạn từ Dinh Độc lập tới Công trường quốc tế nên mình chỉ đề cập tới 2 cái long mạch còn lại ở đất Sài Gòn.
- Cái long mạch thứ hai nằm ở đoạn 3 đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ kéo dài tới cột cờ Thủ ngữ. Xưa chỗ này là ngôi nhà của Wang Tai (xin đừng dịch là Quan Tài vì chữ này chưa có tài liệu nào dịch chính xác tên, một số gọi là Vương Đại), đường Nguyễn Huệ khi đó chưa lấp gọi là rạch Cầu Sấu. Wang Tai cho xây chỗ này ngôi nhà sang trọng và bề thế số một đất Sài Gòn – Bến Nghé lúc bấy giờ. Sau, Tây đặt vấn đề mua lại căn nhà nhưng Wang Tai nhất quyết không bán, chỉ đến khi vu cho ông liên quan tới Thiên Địa Hội thì ông mới chịu nhượng lại căn nhà này với giá 254.000 francs năm 1880. Pháp cho phá bỏ căn nhà và xây lại theo kiến trúc Pháp. Về vết tích thì chỗ này, ngày nay có thể là trụ sở Cục hải quan TPHCM.
- Cái long mạch thứ ba hiện tại nằm trải dài từ chân cầu Chà Và tới ngã ba Hải Thượng Lãn Ông và Châu Văn Liêm kéo dài tận tới bến xe Chợ Lớn. Xưa 2 con đường này cũng chưa được lấp gọi là rạch Chợ Lớn. Thế này thầy địa lý gọi là Lưu hà phi long (nước chảy như rồng bay). Chỗ ngã ba này là nhà của ông Quách Đàm (chắc hẳn nhiều người đã nghe cái tên này). Sau, khi chính quyền muốn lấp kênh này, ông Quách Đàm phản đối quyết liệt và xây tặng chợ Bình Tây nhưng cũng không giữ được long mạch. Khoảng hơn chục năm sau, đại gia Quách Đàm tán gia bại sản, thân bại danh liệt …
Câu chuyện về long mạch được lưu truyền trong dân gian với nhiều tính chất hoang đường nhưng đã góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển đô thị Sài Gòn ngày nay. Sài Gòn còn đó nhiều điều hấp dẫn.