Nhậu là tiếng thanh, không gợi ý thô tục, xem Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, nhậu ghi là uống. Ở Nam Bộ, do phát âm, rượu thường được đọc là “gụ”. Do đó nhậu rượu ở Nam Bộ thường được gọi là “uống gụ”. Uống gụ ở Nam Bộ dĩ nhiên có những nét khác biệt so với nhiều nơi khác. Xin chia sẻ vài kinh nghiệm “chiến đấu” của bản thân.

Người miền Tây phóng khoáng, cách uống gụ cũng phóng khoáng. Uống theo kiểu xoay tua, nguyên bàn nhậu chỉ có 1 ly, người này uống xong lại chuyền ly. Nếu đông quá thì tăng sô lượng ly nhưng tua vẫn xoay. Có trường hợp 2 ly, 1 ly để xoay tua, còn 1 ly, ai thích thì mời người khác (nguyên nhân mời thì vô vàn: lâu lắm không nhậu cùng, có chuyện gì còn hiềm khích, hay chỉ đơn giản là thích vậy thôi).
Loại ly để uổng ở Nam Bộ thường nhỏ, vì kiểu thích lai rai từ sáng tới chiều, ly lớn quá chịu không nổi. Nếu trong trường hợp nhậu mà ly lớn thì sẽ cưa đôi hoặc cưa ba. Đó là lúc đầu còn tỉnh táo, say vào thì toàn là làm nguyên ly.
Trong bàn nhậu nhất định phải có 1 chủ xị. Chủ xị này thường là chủ nhà hoặc một người uống “cứng” nhất, hoặc được mọi người vọng nể bầu ra. Chủ xị có quyền thưởng phạt, cho qua tua hoặc cho phép giao lưu hay không. Chủ xị còn lo châm rượu đều cho mọi người xoay tua đúng vòng, nhưng nếu nhiều người thì người uống trước rót cho người uống sau.
Cách uống gụ, lưu ý là không được làm đổ rượu (có thể bị phạt uống hết chỗ rượu đó và uống thêm 1 hoặc 3 ly tùy chủ xị), uống ko được chừa long đền (rượu còn dư trong ly). Uống xong thì khà 1 tiếng rõ to, tay vỗ đùi đánh chát, thật sướng cái sự đời. Người miền Tây thường nói “rượu bất khả ép, ép bất khả từ”; nếu không uống được, có thể xin qua tua, ko sao. Nếu ai cầm cưa hoài mà chưa uống thì nhắc khéo bằng câu “Thượng điền tích thủy, hạ điền khang”.
Người miền Tây không cân lí do nhậu, đó có thể là đám, sau vụ mùa, niềm hoan hỉ, nổi buồn sầu. Nói vui là vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng uống. Đó có thể là do tập quán từ xưa, người miền Tây “phá sơn lâm, đâm hà bá”, vất vả ở nơi bốn bề đều là rừng thiêng nước độc, chỉ có bầu rượu này là tri âm tri kỷ. Cũng tập quán đó mà mồi ở Nam Bộ rất đa dạng: con cá, con cua, trái xoài, trái cóc… chủ yếu có là để “chữa lửa”.
Lưu ý là trước khi nhậu, chủ xị sẽ rót 1 chung, hất xuống đất, gọi là mời thổ địa. Cũng có câu “vào ba ra bảy”; ai đến sau thì phải uống 3 ly gọi là nhập tiệc, muốn về trước thì làm 7 ly. Tàn cuộc nhậu thì ai còn tỉnh nhất sẽ có nhiệm vụ đưa các chiến hữu về nhà an toàn.