
Đây là nhà cụ Vương Hồng Sển, tọa lạc ở số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, Bình Thạnh, TPHCM. Nhà kiểu năm gian hai trái (chái, kiến văn hạn hẹp, chưa phân biệt được nghĩa), mái lợp ngói âm dương, diện tích áng chừng 15x20m, các chi tiết được chạm khắc rất tinh vi và làm bằng gỗ quý, nhiều chi tiết có tuổi hơn trăm năm (còn được gọi là Vân Đường phủ, Vân Đường là bút hiệu của cụ). Nhưng giờ đây, sự thiếu hiểu biết của con cháu cộng với sự tắc trách của những người có trách nhiệm đã làm ngôi nhà hoang tàn, điêu linh. Những người ở độ tuổi như mình chỉ có thể hoài niệm về một ngôi nhà Nam Bộ cổ qua những hình ảnh xưa.
Trong ảnh là sân trước ngôi nhà hiện tại dùng làm chỗ để xe cho quán nhậu sau nhà. Chủ quán này là chị Vương Hồng Liên Hương, cháu nội cụ. Khi mình xin vào trong nhà tham quan thì thái độ chị không hài lòng cho lắm, mình gọi đĩa sò rồi viện cớ xin đi vệ sinh, lẻn ra sau để chụp một số ảnh. Hẹn một dịp không xa sẽ trình bày rõ ràng hơn những giá trị kiến trúc cổ xưa trên mảnh đất Sài Gòn.
Bình Thạnh, 28/4/2014
Lần thứ hai uống bia ở đây, cách lần đầu tiên đã 4 năm, dạo còn lang bạt khắp nơi tìm hiểu mấy sở thích dở hơi của bản thân.
Lần ni, không còn vòng qua hẻm để xuống phía sau nhà, quán dọn lên phía mặt đường Nguyễn Thiện Thuật, vốn là nơi để xe quán cũ. Tuy được đầu tư khang trang hơn, với mái che di động nhưng vẫn không khỏi nhếch nhác với chuột chạy loanh quanh mấy chỗ nước tù đọng, thậm chí khi gõ mấy dòng này nó còn chạy sượt qua chân tôi.
Chọn vị trí ngồi cạnh gian nhà, tôi có cơ hội ngắm chất gỗ quý được đục đẽo khéo léo, ghép với nhau bằng mộng mẹo mà không sử dụng bấ́t kỳ đinh hay kẽm. Các vì kèo chạm trổ đầu rồng, cùng hình tượng dơi nai biểu trưng sự phúc lộc xen kẽ dàn máng xối tôn tô điểm thêm phần dị hợm trong sự nhếch nhác chung.
Nhưng những điều trên không làm tôi mấy đi sự ngon miệng khi thưởng thức món ốc bươu nướng tiêu với con ốc to gấp 3 bình thường nướng với sốt ngon tuyệt, kèm với hớp bia, tuyệt tuyệt là.
Vân Đường phủ (19/8/2017)