Việc đọc (2015)

Do không có thói quen ghi nhận lại việc đọc sách của bản thân (sẽ thay đổi trong năm nay) nên tôi không chắc chắn về số lượng sách và những đầu sách đã xem trong năm 2015. Nhưng theo ký ức, có vài thứ cần ghi nhận lại về việc đọc sách trong năm rồi để ghi nhớ và cải thiện dần trong những năm sau:

  • Quyển sách đọc đầu tiên: Chiếc Lexus và cây oliu (Thomas Friedman) – NXB Khoa học xã hội 2009.
  • Quyển sách đọc cuối cùng: Hương quê – Tây đầu đỏ và một số truyện ngắn khác (Sơn Nam) – NXB Trẻ 2006.
  • Quyển sách dày nhất đã đọc: Suối nguồn (Ayn Rand) – 1174 trang – NXB Trẻ 2010.
  • Quyển sách mỏng nhất đã đọc (và đọc nhanh nhất, trong chưa đầy 1h): Để thành nhà văn (Thu Giang Nguyễn Duy Cần) – 96 trang – NXB Trẻ 2013.
  • Quyển sách xem thấy bổ ích nhất: Tôi tự học (Thu Giang Nguyễn Duy Cần) – NXB Thanh niên 1999.
  • Quyển sách đọc thú nhất: Sống đẹp (Lâm Ngữ Đường, bản dịch Nguyễn Hiến Lê) – NXB Văn hóa 1999.
  • Quyển sách gợi nhiều điều nhất cho nhân sinh quan và thế giới quan: Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (Nguyễn Hiến Lê) – NXB Văn học 2011 (xem thêm một số chương bị lược bỏ trên mạng).
  • Quyển sách đọc nhưng chưa hiểu nhất: Quân vương – Thuật cai trị (Machiavelli) – Alphabooks 2014.
  • Quyển sách xem chưa xong và thấy bất lực nhất: Kinh Thi (Nguyễn Khắc Hiếu, Nghiêm Thượng Văn, Đặng Đức Tô dịch và chú) – NXB TPHCM 1992.
  • Tác giả được ghi nhận: Cao Tự Thanh (với quyển sách Nho giáo ở Gia Định và một số bài viết trên page Tầm Dương).
  • Và quyển sách đang xem (sẽ là quyển sách đầu tiên của năm sau): Truyện Kiều – NXB Trẻ 2015 (ấn bản kỉ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du).

Bình: Nhìn chung, sách xem trong năm vừa rồi toàn là sách đã phổ biến, chưa có điểm nhấn và không có tính hệ thống. Điều đó chưa giúp được gì cho sự hệ thống tư duy, nếu không muốn nói là làm rối rắm thêm. Thực sự là những ngày cuối năm, bản thân cực kỳ bối rối, mất định hướng khi những giá trị bản thân từ xưa đến nay dần thay đổi, không còn ranh giới giữa trắng/đúng/nên và đen/sai/không nên.

Giải: Đọc sách là một phương pháp tự học, muốn không rơi vào sự hỗn loạn cần phải có một kế hoạch cụ thể và chi tiết. Ngoài ra, “thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”; xem sách phải tiếp thu đặng cái ý từ sách, cái lối học tầm chương trích cú đã cũ kĩ. Để đặng điều ấy, khi xem sách, xem tới đâu, chú tới ấy, chỗ nào đã rõ thì diễn ra bằng ngôn từ của bản thân, chỗ nào chưa thấu, ghi chép lại tiện việc tra cứu sau này đễ rõ hơn. Vài dòng nhưng không đơn giản để thực hiện trọn vẹn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *