Tôi đọc Nhà giả kim khá muộn so với độ tuổi mà tôi cho là nên đọc nó. Nói là quá muộn vì tôi hầu như đã “nếm” mọi thứ Santiago trải qua trong cuộc “hành trình biểu tượng”: ước mơ một cuộc sống với đàn cừu, từ bỏ đàn cừu tìm kiếm một cơ hội, bị gạt sach tiền, làm việc ở tiệm pha lê, tiếp tục cuộc hành trình, gặp gỡ nàng Fatima. Là muộn, vì cảm xúc quá đủ để tìm thấy mình trong văn, một chút thiếu thốn cảm xúc sẽ tạo nhiều cảm giác khơi gợi.
Xuyên suốt cuộc hành trình đi tìm mục đích cuộc đời của Santiago là một chuỗi các hình ảnh, sự kiện, nhân vật mang tính biểu tượng tiếp nối nhau: một chàng thanh niên ước mơ chu du thế giới với biểu tượng đàn cừu, tìm ra gợi ý về mục đích cuộc đời, từ bỏ vòng tròn an toàn, dấn thân, nỗi đau và sự bế tắc đầu đời, trong tử lộ tìm ra đường cứu sinh ở tiệm pha lê, tích lũy đủ để tiếp tục giấc mơ đi tìm mục đích cuộc đời, gặp phải những trở ngại tiếp theo, tìm ra được tình yêu lý tưởng, gặp “người dẫn dắt” cuộc đời mình và cuối cùng đạt được mục tiêu.

Vì mang một giá trị phổ quát như vậy, dễ đọc, dễ cảm với “trong văn có chất thơ” nên Nhà giả kim trở thành một quyển “nên tìm đọc” trong nhiều bảng xếp hạng.
Nhưng nếu sử dụng tiêu chí “dấu vết lưu lại” để đánh giá, tức là khi đọc xong một tiểu thuyết nó còn đọng lại trong tâm trí ta, ngự trị ở đó, thỉnh thoảng dày vò ta khi gặp ngoại cảnh cùng tần số, thì Nhà giả kim không phải một quyển tiểu thuyết hay, với cảm nhận riêng tôi. Cái cảm giác “trôi” tuột đi cả về cảm xúc, lời văn, nội dung là cảm giác khi tôi gập quyển sách lại.
Nhưng tôi vẫn vui lòng trả lời “Có” khi ai đó hỏi tôi có nên đọc Nhà giả kim hay không.