Nữ nhà báo và Quy hoạch sư trưởng thành phố New York

Robert Moses chưa từng giữ bất kỳ chức vụ chính thức nào trong bộ máy hành chính thành phố New York. 13 cây cầu, 2 hầm chui, 669 km đường xa lộ, 658 sân chơi, 10 hồ bơi công cộng khổng lồ, 17 công viên xây mới, cải tạo vô số công viên cũ (nhờ ông mà quỹ cây xanh TP tăng thêm hơn 1 triệu ha), 150.000 nhà ở; thúc đẩy xây dựng vận động Shea, trung tâm nghệ thuật Lincoln và tòa nhà Liên Hiệp Quốc, đó là những gì ông làm được dưới vai trò cố vấn 7 đời thống đốc. Người ta nói đùa rằng Moses không làm việc cho các thị trưởng và thống đốc, mà họ làm việc cho ông.

Tham vọng của ông là biến New York thành một thành phố hiện đại bậc nhất, và không thể phủ nhận rằng New York của ngày hôm nay là New York của Moses; không có Moses, New York không thể trở thành “thủ đô” của thế giới như hiện tại. Chỉ với vài nét bút, ông có thể di dời cả ngàn hộ dân cư và nhường chỗ cho các con đường trong bản thiết kế của mình.

Jane Jacobs, chuyển đến New York năm 18 tuổi với tấm bằng trung học và chứng chỉ hành nghề tốc ký, là một người phụ nữ bình thường, một người vợ, một người mẹ, một nhân viên bình thường ở tòa báo chuyên viết về cuộc sống đô thị.

Bà và con trai sống ở khu Greenwich Village, nơi mà Moses và các đồng nghiệp xem không khác gì một khu ổ chuột và cần phải phá bỏ 14 dãy nhà tại đó để xây dựng các khu chung cư cao tầng; đồng thời, xây dựng 4 làn đường cao tốc xuyên qua quảng trường Washington, nơi bà và con trai thường dạo chơi. Đó là một phần trong dự án quy hoạch lại New York.

Với óc quan sát tinh tế, bà đã nhận ra các vấn đề của chính sách quy hoạch trong thời điểm đó chỉ dựa trên số liệu, và tính thiếu thực tế trong quan sát, cũng như các nguyên tắc, phương pháp quy hoạch hiện tại không quan tâm đến các cộng đồng nhỏ, tính xã hội hay văn hóa khu vực.

Bài báo “Downtown is for People” (Trung tâm là của người dân) của bà đăng trên tạp chí Fortune 1958 ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ các nhà xã hội học và đặc biệt là từ phía người dân. Nó như một cái tát vào cộng đồng quy hoạch, đặc biệt là Moses.

“If the downtown of tomorrow looks like most of the redevelopment projects being planned for it today, it will end up a monumental bore. But downtown could be made lively and exciting — and it’s not too hard to find out how.” (Trích đoạn mở đầu bài báo “Downtown is for People”).

Tạm dịch: “Nếu như khu trung tâm của ngày mai trông giống như hầu hết các dự án cải tạo được đề ra ngày hôm nay, nó sẽ kết thúc như những tượng đài của sự nhàm chán. Nhưng khu trung tâm có thể được tạo ra tràn đầy sức sống, thú vị, và không quá khó để tìm ra cách thực hiện”.

Dự án vấp phải sức cản; Moses, vốn không quen với thất bại, tức giận lao vào phòng làm việc và hét toáng lên: “Không có ai chống lại dự án này cả. Không ai, không ai, không một ai, ngoài một mớ các bà nội trợ!”.

Nhưng Moses chưa dừng lại. Một dự án mới mang tên Lower Manhattan Expressway (Cao tốc Hạ Manhattan) với 10 làn xe xuyên qua khu SoHo (là một quần thể dân cư được xây dựng từ thế kỷ XIX, với kiểu kiến trúc đúc sắt đặc trưng và nổi bật nhất New York) được lên kế hoạch chi tiết.

Và dĩ nhiên, một lần nữa, Jane Jacobs không thể đứng bên lề. Cùng với vài người có tiếng nói, bà thành lập một Ủy ban phản đối dự án, cũng như vận động, kêu gọi người dân cùng phản đối.

Trước sức ép lớn từ công chúng và dư luận, một phiên họp được tổ chức khẩn cấp nhằm cân nhắc sự cần thiết của dự án. Sau sáu tiếng họp, toàn thể hội đồng thống nhất loại bỏ dự án đường. Chàng David tí hon đã chiến thắng gã khổng lồ Goliath.

Chính nhờ sự kiện gây chấn động này, một tác phẩm đã ra đời, với “những tư tưởng đã gây chấn động những tư duy quy hoạch truyền thống vào thời điểm đó trên thế giới” (Quy hoạch gia Nguyễn Đỗ Dũng). Quyển sách đó là The Death and Life of Great American Cities (Cái chết và Cuộc sống của những thành phố lớn nước Mỹ).

Bà viết trong Lời giới thiệu quyển sách: “Tôi sẽ chủ yếu viết về những thứ hết sức bình thường, ví dụ như, loại đường phố nào thì an toàn, loại nào thì không; tại sao một số công viên thật tuyệt vời, số còn lại đầy cạm bẫy chết chóc, tại sao một số khu ổ chuột vẫn tiếp tục là một khu ổ chuột, còn một số khác có thể tự cải tạo dù gặp phải các thách thức về tài chính và chính quyền….”.

“Tạo ra một thành phố như mơ thật đơn giản. Nhưng để xây được một thành phố thực sự đáng sống đòi hỏi trí tưởng tượng”. – Jane Jacobs.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *