ĐBSCL – nét sinh hoạt xưa & Văn minh miệt vườn (Sơn Nam) – LB review

Khai niên bằng quyển này có hơi quá sức. Lượng kiến thức dồi dào và lối viết tài tử của ông làm mình bở hơi tai mà cũng không theo kịp (dù ĐBSCL nét sinh hoạt xưa là đọc lại lần hai). Sách này phải đọc 3, 4 lần nữa.

“Miệt Vườn là xưng danh sẵn có. Tiếng văn minh kèm theo phía trước là do người khởi thảo tập sách này nêu lên, nghĩ rằng văn minh là nếp sống vật chất, là ăn, mặc, ở, cách thức sinh nhai. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, dân Việt đã sáng tạo một nếp sống hùng mạnh, phóng khoáng.” – Sơn Nam.

Cái suy nghĩ cho rằng miền Nam trù phú, lưu dân dễ dàng đến khai phá và định cư, từ đó mới sanh ra tính cách phóng khoáng như vậy quả ư là sai lầm lớn. Người khẩn hoang chỉ sống dễ ở những vùng miệt vườn, dễ hiểu là những đất cố cựu nhất ở Nam bộ, có khả năng để tạo lập vườn cây ăn quả. Còn những đất phèn, đất mặn, đất trồng lúa thì số kiếp của người nông dân, tá điền đau khổ biết nhường nào.

Chúng ta làm sao tưởng tượng được cái gọi là “tắm lửa, ngủ nước”. “Mùa nắng, kinh rạch khô cạn, ở đồng không mông quạnh, đốt lửa lên, đứng gần cho mồ hôi ra thật nhiều, lau chùi sạch bụi đất và mồ hôi.” – đó là tắm lửa. Ngủ nước có hai kiểu, một kiểu là ngủ trong nóp nhúng nước, kiểu thứ hai là nằm trên chiếc xuống nhỏ, cho nước vào, dầm mình để muỗi không chích; ngủ kiểu này dễ sanh cảm mạo, nhưng không còn cách nào khác.

Đó chỉ là nói trên khía cạnh môi trường sống, còn biết bao nhiêu vấn đề về kinh tế, xã hội: mối quan hệ giữa chủ điền – tá điền, sự độc quyền của thương nhân người Hoa, rồi bọn Tây…Đọc quyển này rồi đọc lại Hương rừng Cà Mau sẽ thấy hay hơn một bậc. Những nét văn hóa, cách thức sinh hoạt ở Nam bộ được ông lồng ghép cực kỳ khéo léo trong các truyện ngắn. Càng ngày càng hiểu vì sao ông được gọi với cái tên thân thương: Ông già Nam bộ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *