Được chú ý, được quan tâm, được chia sẻ, có lí do nào khác ngoài những điều vừa kể đã tạo một áp lực vô hình có giá trị 150/100 mmHg và buộc bạn phải chia sẻ thông tin, kiến thức, xúc cảm bản thân với mọi người, cụ thể ở đây là một vài dòng trạng thái trên Facebook? Hẳn là không. Điều đó không khó hiểu vì những nhu cầu đó tồn tại hiển nhiên trong mỗi chúng ta, và chúng nằm ở những tầng bậc cao trong tháp nhu cầu Maslow. Bài viết dưới đây, người viết muốn chia sẻ góc nhìn chủ quan về một góc độ hẹp trong việc sử dụng mạng xã hội (MXH) của bản thân và một số người mà tác giả quen biết.

Một kiểu like
Hơn trăm năm trước, ở đế quốc Nga, một tầng lớp người được hình thành với những ngoại hình, tính cách, suy nghĩ rất đặc trưng. Họ đại diện cho một kiểu người đã được nhà văn Chekhov miêu tả qua nhân vật Belikov; kiểu người trong bao duy trì những mối quan hệ thông qua cách thức hết sức kỳ quặc: đi hết nhà này đến nhà khác “kéo ghế ngồi, chẳng nói chẳng rằng, mắt nhìn chung quanh như tìm kiếm vật gì”. Về bản chất, kiểu duy trì mối quan hệ đó, ngoài nguyên nhân không gian lịch sử bức bối, ngột ngạt dưới chế độ Nga hoàng, có nguyên nhân sâu xa nằm ở sự yếu đuối của tâm hồn. Sự yếu đuối về tâm hồn được thể hiện ra ngoài bằng những hành động thô thiển, lố bịch.
Một trăm năm sau, trong không gian lịch sử khác, vẫn bức bối, ngột ngạt, sự yếu đuối trong tâm hồn được diễn ra dưới một hình thức khác, thông qua việc sử dụng MXH, một hình thức like mà tôi gọi là like thảo mai (hoặc like Belikov). Đặc trưng cơ bản của hình thức này: việc nhấn nút like có nhiệm vụ cao cả là duy trì mối quan hệ và thông báo về sự tồn tại của ta với những ai đó.
Nút like và sự độc lập của ta
Khi ấn nút like một trạng thái nào đó, tức là bạn đang đặt một mối quan hệ với đối tượng kia. Tuy nhiên, sự thân thiết của một mối quan hệ lại không phụ thuộc vào tần suất nút like. Dạo này, mình có một thí nghiệm nho nhỏ trên facebook: không nhấn nút like trong một thời gian, tức là ngăn mình giao tiếp với những mối quan hệ trên không gian mạng xã hội.
Nếu bạn đã xem Naruto, bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói ở đây dễ dàng hơn. Ý mình là về Naruto và Sasuke, hai nhân vật đại diện cho hai cách ứng xử trong các mối quan hệ xung quanh. Nếu Naruto tìm sự mạnh mẽ ở những mối quan hệ bạn bè, người thân xung quanh mình, thì Sasuke, ngược lại, tìm kiếm sức mạnh ở chính bản thân mình. Sasuke muốn độc lập, muốn đứng một mình, mạnh mẽ và ngạo mạn. Và mình đang nhìn vấn đề ở đây theo cách của Sasuke.
Những mối quan hệ chiếm một phần trong trái tim và tâm hồn ta, và khi xem xét một vấn đề, ta phải tìm đến ngăn chứa của mối quan hệ, mở ra và cân nhắc, đắn đo. Khi chúng ta càng đặt mình vào nhiều mối quan hệ, ta yếu đuối dần đi, một cách tương đối. Một bằng chứng khá hiển hiện cho luận điểm này: những người đi làm thường ít đăng status (ít chia sẻ) hơn so với trước đây, có phải là do họ độc lập hơn (ít nhất là trên lĩnh vực tài chính).
Ứng xử ra sao trong thế giới ảo này
Nhu cầu sử dụng MXH của mỗi người là không giống nhau, và trong mỗi người nói riêng, tâm tính ở những thời kỳ khác nhau, là rất khác. Vì vậy chúng ta có các cách thức sử dụng MXH khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và tâm tính bản thân, đồng thời mỗi người tạo ra cho bản thân một cộng đồng bạn bè phù hợp với nhu cầu và tâm tính đó.
Như vậy, sự áp đặt suy nghĩ và cách thức sử dụng MXH là một điều điên rồ. Ở đây, mình không muốn nhận gạch đá xây nhà, mà chỉ muốn đề cập một số biểu hiện về cách sử dụng nút like mà mình thấy nghịch lý:
- Không like những gì bạn bè thân thiết nhất của ta chia sẻ.
- Tại sao cùng một thông tin nhưng bạn lại like trạng thái của người này mà không phải của người kia.
- Tại sao bạn lại like của những người mà bạn biết chắc chắn rằng họ không biết bạn là ai.
- Like dạo, like vô tội vạ khi chưa cần biết nội dung bài đăng.
- Tự like bài đăng bản thân.
- …
Nhưng sẽ chẳng có gì là nghịch lý nếu quy nó về tâm tính cá nhân.
Những cái kết
- Với nhiệm cụ cứu rỗi những linh hồn tìm kiếm sức mạnh, nút like thực sự đã tạo ra một tôn giáo của riêng nó, với số lượng tín đồ cao nhất thế giới.
- Qua cách thức sử dụng MXH, ta thường đánh giá về một con người, đó là một sai lầm kinh khủng. những gì bạn thấy họ trên MXH là những gì họ muốn cho bạn thấy về họ. Cuộc sống của họ không nằm hoàn toàn trên MXH.
- Chúng ta sẽ nói về MXH như là một thử thách cho tính độc lập cá nhân của mỗi ta.
Tóm lại, mình thấy câu này có thể tóm gọn lại cách ứng xử của chúng ta với nút like:”Tôi là một người đàn ông đơn giản, tôi thấy gái đẹp, tôi like. Tôi là một người đàn ông phức tạp, tôi thấy gái đăng status có nhiều chất xám, tôi like. Nhưng, có sự phức tạp nào không bắt đầu từ những điều đon giản. Tóm lại, tôi like cái mẹ gì thì kệ tôi”. Vâng, mình tôn trọng sự đa dạng của thế giới.
Như mọi lần, bài viết là quan điểm của tác giả và dù gì, tác giả bài viết cũng cần được chia sẻ :)).