Băn khoăn – Khái Hưng

Nếu như Hồn bướm mơ tiên (HBMT) là tiểu thuyết đầu tiên, thì Băn khoăn là quyển sau cùng của Khái Hưng viết. Hôm nay, tôi đọc trọn Băn khoăn, và sau cùng đã rã nó thành một mớ giấy vụn, như để giải nỗi băn khoăn trong lòng, dù hiệu quả chẳng là bao.


HBMT chỉ nói đến tình yêu thuần khiết, yêu nhau trong tinh thần mà không cần đoàn viên, còn ái tình của Băn khoăn đa dạng và phong phú hơn: đó là cái ái tình kiểu mẫu của Lan Hương với Cảnh, hoặc của Oanh và Bản; đó là ái tình vụng trộm, thỏa cái cảm giác bệnh hoạn được cắm sừng bạn của Cảnh và Liên, mà đỉnh cao của nó là cái ái tình của cùng hai cha con và một người phụ nữ tên Hảo.


Theo một người anh tôi quen, khái niệm tình yêu không xuất hiện trước Shakepeare. Và ở Việt Nam, tình yêu, theo nghĩa chân chính của nó, chưa xuất hiện cho đến khi phong trào thơ mới, cùng với tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn ra đời.


“Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi…”. Đấy là câu Hoài Thanh – Hoài Chân dẫn lời ông Lưu Trọng Lư trong Thi nhân Việt Nam khi nói đến sự ảnh hưởng của phương Tây lên tâm hồn ta, trong ái tình nói riêng.


Nhưng nỗi băn khoăn ở đây của Khái Hưng rộng rãi hơn cái ái tình nhiều. Dù chỉ giới hạn không gian của tiểu thuyết trong tầng lớp tư sản, cũng như chỉ đề cập vài nét biến đổi xã hội, nhưng ta hiểu nỗi băn khoăn của tác giả chính là nỗi băn khoăn thời đại, “vì chúng ta vẫn chưa có một mẫu người mới, một xã hội mới được xây dựng trên một ý thức hệ Việt mới” (Dương Nghiễm Mậu).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *