Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản

Giai đoan thập niên 60 của thế kỷ trước, các tác phẩm văn học hiện sinh của những J.P. Sartre, Albert Camus,… như Ngộ nhận, Kẻ xa lạ, Dịch Hạch (Camus), Buồn nôn (Sartre) được phổ biến tại miền Nam Việt Nam, góp phần tạo nên sự sôi động trong đời sống văn hóa, tinh thần của thị dân lúc bấy giờ.

Chưa từng có một danh từ nào lại mang hai hàm nghĩa trái ngược nhau như vậy: một mặt, nó thật sang trọng, thượng lưu, là chủ đề mà những ai muốn được mang danh nghĩa “trí thức” ít nhất phải biết đến, phải bàn luận; một mặt, nó thật xấu xa, ghê tởm đến mức câu “con mụ ấy thật hiện sinh” có ý nghĩa ngang bằng tiếng chửi tục tĩu.

Dễ dàng thấy được hình ảnh những nhân vật trong các tác phẩm của Sartre và Camus luôn mang sự lo âu (angoisse), tình trạng bị bỏ rơi (délaissement), sự tuyệt vọng (désespoir). Do ảnh hưởng bởi những tác phẩm này, một bộ phận thanh niên miền Nam Việt Nam không tìm thấy đường đi trong chiến tranh, đã phản ứng, đã “nổi loạn”, mà ta biết đến với cái tên phong trào hippy.

Khởi đầu do một số nhà triết học thế kỷ 19 mà nổi bật nhất là Søren Kierkegaard và Friedrich Nietzsche, khi họ cho rằng triết học truyền thống quá trừu tượng và tách biệt khỏi trải nghiệm cụ thể của con người. Họ có một niềm tin rằng, tư duy triết học phải xuất phát từ chính con người, từ những trải nghiệm chủ quan của bản thân, hơn là những chân lý khách quan của khoa học.

Nguyên tắc đầu tiên của thuyết hiện sinh: “Con người không là gì ngoài nó tạo ra”; điều đó có nghĩa là, trước hết, con người ”phải hiện hữu, gặp gỡ nhau, xuất hiện trong thế giới đã, rồi theo đó tự định nghĩa mình”, và sau đó chịu trách nhiệm với sự hiện hữu của chính mình. Do để khẳng định ”mình là ai?” trong thế giới này, con người đứng trước những lựa chọn.

Từ quan điểm con người được tự do lựa chọn ”mình là ai?” và bắt buộc phải chọn lựa mà những lựa chọn đó không thể không liên quan đến mọi người, “không thể thoát khỏi cái cảm thức về trách nhiệm toàn diện và sâu xa của mình” nên con người lo âu, tuyệt vọng, lạc lõng.

Thuyết hiện sinh chỉ được hiểu ở mức độ những nỗi lo âu, tuyệt vọng, lạc lõng kia mà không hiểu được nguyên nhân, dẫn đến những hiểu lầm từ cả những người Công giáo và những người Mác-xít. Đó là tiền đề ra đời của quyển sách này. “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản” là một văn bản tốc kí, được Sartre sửa lại, và trình bày tại buổi thuyết trình được tổ chức ở Paris nhằm ”trình bày trước công chúng một cái nhìn bao quát mạch lạc và chính xác hơn về triết học của mình”.

Quyển sách mỏng, dễ đọc (so với mấy quyển khác), dịch tốt (tiền dịch giả bỏ ra mua sách hỗ trợ việc dịch nhiều hơn cả tiền nhuận bút), sẽ giúp bạn đọc tiếp cận những bước đi nền tảng vào thuyết hiện sinh, và vào một dòng chảy nhân bản xuyên suốt của nhân loại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *