- Nếu con chim cúc cu không hót, hãy giết nó (1)
- Nếu con chim cúc cu không hót, hãy vuốt ve nó (2)
- Nếu con chim cúc cu không hót, hãy chờ đợi nó (3)

Chắc có lẽ nhiều bạn nghe và hiểu câu này. Mình xin mạn phép viết mấy dòng cho một số bạn chưa nghe hoặc chưa rõ nghĩa; đồng thời cũng giúp bản thân ghi nhớ một cách hệ thống hơn.
Đây là 3 câu thơ senryu nổi tiếng viết về tính cách nổi bật của 3 người lãnh đạo có công lớn nhất trong việc thống nhất Nhật Bản.
- Câu (1) viết về Oda Nobunaga (1534 – 1582), ông là người lãnh đạo thứ nhất trong 3 người thống nhất Nhật Bản. “Giết nó” – với tính cách tàn bạo, ông đã đặt nền mống đầu tiên cho việc thống nhất nước Nhật. Đặc biệt, ông thích sử dụng lực lượng đánh thuê để tổ chức lực lượng quân đội của mình. Chính điều này đã giúp ông nhanh chóng thống nhất đất nước, đồng thời cũng là cái kết cho cuộc đời ông. Akechi Mitsuhide, tướng giỏi nhất của ông, đã trở mặt và trong một lần Oda đi chơi tại chùa Honno, Akechi đã dẫn quân đến đốt chùa và bắt Oda tự sát theo nghi thức Seppuku (mổ bụng).
- Câu (2) viết về Toyotomi Hideyoshi (1537 – 1598). Xuất thân từ tầng lớp nông dân, với khả năng ngoại giao, tài thuyết phục tài tình (hay nói khác đi là nịnh bợ), ông đã thống nhất được nước Nhật (về cơ bản). Vế “vuốt ve nó” đã nói lên điều này.
- Câu (3) viết về Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616). Ông là người đã hoàn thành việc thống nhất nước Nhật (trên cơ sở hai người trước). Tính cách nhẫn nhục, chờ đợi thời cơ chín muồi chính là điểm mạnh nhất của ông. Chờ đến khi Toyotomi mất, ông mới bắt đầu chiến dịch của mình, và thắng lợi trong trận Sekigahara (năm 1600) đã mở ra thời kỳ mới – thời kỳ của Mạc phủ Tokugawa, kéo dài 268 năm cho đến khi kết thúc bởi chiến tranh Mậu Thìn năm 1868 (tới thời kỳ Minh Trị).
Trong ảnh, từ trái sang lần lượt: Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi, Tokugawa Ieyasu. Nguồn ảnh: Samurai Warriors.