Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học, chia toàn bộ hoạt động tinh thần của con người ra làm 3 cấp độ: Tự ngã (Id), Bản ngã (Ego), Siêu ngã (Superego).

Tự ngã (Id), hay còn gọi là cái Nó, theo Freud, là quan trọng nhất. Cái Id này bao gồm tất cả những gì do di truyền, có ngay từ lúc được sinh ra. Id là phần nhân cách tối tăm nhất, không thể chạm đến được của mỗi người chúng ta, là nơi trú ngụ của những bản năng nguyên thủy khi con người còn là một con thú. Vì vậy, cái Id mang thú tính, mục đích duy nhất của nó là thỏa mãn các ham muốn bản năng, các khoái cảm mà không cần biết hậu quả.
Một em bé chào đời, có nghĩa là cái Id được nhân cách hóa. Dần dần, thay vì hoàn toàn bị dẫn dắt bởi các bản năng nguyên thủy, cái Id trong em bé chào đời kia phát triển lên thành cái Bản ngã (Ego), hay còn gọi là cái Tôi.
Trong triết học, cái Ego là phạm trù phản ánh cái riêng có của trung tâm tinh thần một con người. Trong phân tâm học, cái Ego nhận biết được thế giới chung quanh, nhận ra rằng phải ngăn cản “những đòi hỏi bạt mạng của cái Id “. Nó hoạt động dựa trên nguyên lý “thích ứng với thực tại”.
Vì có cái Ego mà ta có thể điều hòa được các ham muốn nguyên thủy bản thân mình, tránh bị xã hội trừng phạt. Nhưng nếu cuộc đấu tranh giữa cái Id và cái Ego này nghiêm trọng, hậu quả xảy ra là có thể dẫn đến rối loạn nhân cách và những bệnh tâm thần.
Sau cùng, cấp độ cao nhất – Siêu ngã (Superego), hay còn gọi là cái Siêu Tôi. Có thể nói, giá trị của một con người nằm ở cái Superego, hay nói cách khác, cái Superego làm con người mang tính người hơn. A.A.Brill, học trò của Freud viết:
“Cái Superego là sự phát triển tinh thần cao hơn hết mà con người có thể đạt tới được và bao gồm lẫn lộn mọi sự cấm đoán, mọi quy tắc cư xử do cha mẹ tạo ra nơi đứa trẻ. Tri giác lương tâm hoàn toàn tùy thuộc vào sự phát triển của cái Superego”.
Nói một cách đại khái, Superego là lương tri của mỗi người, và con người học hỏi, tích lũy được trong quá trình xã hội hóa của mình. Nó bao gồm các lý tưởng đạo đức cá nhân, truyền thống xã hội, quy tắc ứng xử chung được xã hội chấp nhận, … Như vậy, cái Superego luôn luôn mâu thuẫn với cái Id, cho dù chúng cùng nằm trong cõi vô thức, tức nơi chi phối hầu hết mọi tư duy và hành động của chúng ta.
Như đã nói ở trên, cái Ego nhận thức được thế giới và ngăn cản cái Id thú tính kia. Đồng thời, cái Ego cũng phải chiều lòng cái Superego, để thỏa mãn nhu cầu tinh thần cao nhất của ta. Đó là lí do vì sao tôi hay nói rằng mỗi người chúng ta sống hạnh phúc với cấu trúc tinh thần mỗi ta. Có người muốn thỏa mãn phần Id nhiều hơn, hoặc ngược lại. Khi 3 cái này hòa hợp với nhau, cá nhân có trạng thái điều hòa và hạnh phúc.
Dĩ nhiên, những dòng trên đây sẽ không xuất hiện nếu người viết có được trạng thái điều hòa và hạnh phúc.
Trên đây là 3 khái niệm căn bản nhất của Phân tâm học. Và cuối cùng, nếu ta hiểu được những khái niệm trên đây rõ ràng, thì thay vì nói cuộc đấu tranh giữa cái tình và cái lý, ta có thể nói cuộc đấu tranh giữa cái Tự ngã và cái Siêu ngã. Và cũng nếu hiểu được những khái niệm trên, ta cũng sẽ không viết cái status ngu ngốc và có vẻ từng trải như thế. Chí ít ra thì ta cũng nên đọc sách, hoặc tra google trước khi viết cái gì mà bản thân ta cũng chẳng hiểu.
(Biên tập từ Sigmund Freud, Phân tâm học nhập môn, Nguyễn Xuân Hiến dịch, NXB ĐHQG Hà nội 2002(